QUỐC HỘI THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ SỬA ĐỔI

Nóng chuyện dân kiện tòa không được từ chối

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng dân sự (TTDS) sửa đổi ngày 15-6, các đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) có ý kiến rất khác nhau về quy định “Tòa án không được quyền từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”.

Ý kiến ủng hộ cho rằng quy định này rất quan trọng, rất cần thiết, là điểm mới tiến bộ nhất của dự luật. Trong khi đó, ý kiến phản đối lại đánh giá quy định này không phù hợp, thiếu tính khả thi và chưa lường hết những vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn…

Lo ngại tăng nguy cơ oan, sai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Dương Ngọc Ngưu (Điện Biên) cho rằng quy định trên chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp “… thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. “Khi xét xử, HĐXX phải căn cứ quy định của pháp luật mới đưa ra những phán quyết đúng người, đúng việc, đúng pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức cá nhân...” - ông Ngưu nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng đề xuất của ban soạn thảo chưa đủ sức thuyết phục, chưa căn cứ vào thực tiễn. “Thời gian qua, bao nhiêu việc tòa phải từ chối vì không có luật?” - ông Nhã đặt câu hỏi và cho rằng cơ quan soạn thảo đã không lường hết những phức tạp có thể phát sinh trong thực tiễn khi nguyên tắc này bị lợi dụng để yêu cầu giải quyết các vấn đề về quyền con người, yêu cầu của các tổ chức tôn giáo... “Nếu bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo yêu cầu về “quyền được chết” thì tòa có tiếp nhận không? Tiếp nhận thì xử lý thế nào nếu không có luật?” - ông Nhã thắc mắc.

Cạnh đó, các ĐB cũng băn khoăn về đề xuất của ban soạn thảo: Khi chưa có điều luật cụ thể để áp dụng, tòa án áp dụng tinh thần của Hiến pháp, tập quán, nguyên tắc chung của luật, án lệ, áp dụng nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết vụ án. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng án lệ chưa được công nhận chính thức là nguồn luật. Nhắc tới việc “một bộ phận thẩm phán chưa đảm bảo về chất lượng”, ông Luyến lo ngại nếu giao cho thẩm phán căn cứ vào nguyên tắc tương tự hay lẽ công bằng để giải quyết sẽ dẫn đến sai lệch trong giải quyết vụ việc. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị giải thích rõ ba vấn đề: Tập quán là gì, những tập quán nào được lựa chọn, thế nào là tương tự, là lẽ công bằng?... giúp cho việc xét xử sau này khách quan, vô tư và đúng.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) thì lo ngại quy định này sẽ tăng nguy cơ án bị hủy, sửa, án oan-sai, thậm chí dẫn đến bất ổn xã hội. ĐB Khánh đề nghị QH không tạo thêm một yếu tố khách quan gây lúng túng cho cán bộ tòa án.

“Dân đi loanh quanh, mệt mỏi sinh lắm chuyện”

“Thực tế lâu nay, khi từ chối một vụ khiếu nại hay kiện của người dân thì thật sự chưa đến tòa án đâu, cô thư ký đã “bác” rồi” - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch nhận xét và đánh giá nguyên tắc của Điều 4 là điểm mới nhất, đáng ghi nhận nhất của dự án luật trình xin ý kiến QH lần này.

“Tôi làm thực tiễn nên có điều kiện tiếp xúc với dân. Lâu nay, người dân cầm đơn yêu cầu tòa án giải quyết, do không có điều luật, không có cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết, vì thế tòa không giải quyết. Người dân tiếp tục cầm đơn đến các cơ quan hành chính nhà nước cũng không được, lên trung ương cũng không có, người dân đi loanh quanh dẫn đến mỏi mệt nên sinh ra lắm chuyện” - Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Phạm Văn Hà (Nghệ An) nói.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền cho rằng tòa án là đại diện cho công lý, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. “Nhiệm vụ của anh là bảo vệ công lý, tôi kiện đòi công lý anh lại từ chối là không được” - ông Thuyền nói.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì kiến nghị phải cụ thể hóa nguyên tắc này bằng các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, giải quyết các loại vụ việc này. ĐB Cường cho rằng dự thảo đang liệt kê những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án và đều chốt một câu là “những việc khác theo quy định của pháp luật”. Như vậy có những việc dân sự nếu pháp luật không quy định thì sẽ không thuộc thẩm quyền giải quyết của bất kỳ tòa án nào và nguyên tắc trên là vô nghĩa.

“Công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”

Thực tiễn chủ đạo của TTDS Việt Nam suốt nhiều thập niên qua là kéo dài và quá chậm trễ. Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm. Nhiều kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác, lấy hàng nhưng không thanh toán, mượn tài sản nhưng cố tình không trả, sống xa hoa và thách thức nạn nhân đi kiện, còn nói “để tôi chỉ chỗ cho đi kiện”.

Các thời hạn xét xử của Luật TTDS hiện hành, từ nộp đơn, xem xét, thụ lý, bổ túc, bổ sung đơn, mời làm việc, hòa giải, nhập án, tách án, xử sơ thẩm, ra án văn, gửi án văn, kháng cáo, xử phúc thẩm… tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian, không có chế tài cho sự chậm trễ này. Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học chính trị cao cấp, nghỉ phép… thì các đương sự đều lãnh đủ. Trong khi lẽ ra nếu thẩm phán vắng lâu, lãnh đạo tòa phải phân công lại. Những đương sự nào muốn việc xét xử càng chậm càng tốt thì rất có lợi, vì luật hiện hành có rất nhiều công cụ cho sự trì hoãn. Tục ngữ có câu “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”. Tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm, TTDS càng kéo dài thì toàn bộ đời sống, sản xuất, kinh doanh, lao động, nói chung là sự phát triển của đất nước bị chậm lại theo… Tố tụng là một nỗi đoạn trường, thi hành án lại là một đoạn trường khác. Trong số án tồn đọng chưa thi hành được có một loại án không thể thi hành do bản án tuyên vô lý hoặc bỏ sót hoặc sai sót về kỹ thuật cho nên không thể thi hành được.

Dự thảo hiện nay tuy đã giải quyết được nhiều vấn đề nhưng theo tôi, vẫn chưa giải quyết được những vấn nạn mà tôi vừa nêu. Các thời hạn như dự thảo là quá dài. Tôi đề nghị rút ngắn tất cả thời hạn dành cho tòa án và cho các khâu của quá trình tố tụng xuống, theo tôi là chỉ bằng một nửa như dự thảo. Hai là nên quy định thời hạn khác nhau cho các loại án khác nhau. Ba là phải có quy định trách nhiệm của thẩm phán và tòa án khi không thi hành án được mà nguyên nhân là do việc xét xử và do nội dung bản án. Phải có quy định để ràng buộc trách nhiệm của tòa án đối với các bản án đã tuyên…

ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

___________________________________________

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân. Việc gì dân yêu cầu chính đáng phải giải quyết. Nếu chưa có luật là do lỗi của Nhà nước, không phải lỗi của dân. Phải dành khó khăn về cho Nhà nước chứ không phải đẩy khó khăn cho người dân.

Chánh án TAND Tối cao TRƯƠNG HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm