Họp báo Chính phủ:

Nóng việc dẹp vỉa hè, bổ nhiệm thần tốc

Chiều 3-4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3-2017, các PV đã nêu nhiều câu hỏi về các vấn đề nóng dư luận đang quan tâm. Pháp Luật TP.HCM xin lược ghi.

Lấn chiếm thì phải bị phá bỏ

. Phóng viên: Chiến dịch giành lại vỉa hè bước đầu đã tạo hiệu ứng tích cực nhưng cũng có một số hình ảnh phản cảm, quan điểm của Chính phủ như thế nào?

+ Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Báo chí vừa đặt vấn đề phá các công trình làm ảnh hưởng cảnh quan. Tôi cho rằng không có gì là ảnh hưởng cảnh quan cả. Lòng, lề đường công cộng là do chính quyền quản lý, các hộ, tổ chức, cá nhân xây lấn chiếm lòng, lề đường đều bị phá bỏ và không loại trừ cơ quan, tổ chức nào. Như vậy người dân mới đồng tình.

Việc xây bậc tam cấp trước đây không phá bỏ được nhưng bây giờ các tỉnh, TP đã ra quân đồng loạt và thực hiện rất nghiêm. Từ đó có thể đồng thuận và bây giờ việc này đã lan tỏa ra người dân và người dân đã tự giác dọn dẹp để chuyển lòng, lề đường cho chính quyền quản lý.

Vì vậy, chúng ta không đặt vấn đề cưỡng chế, chỉ giáo dục cho người dân và thành lập những tổ kiểm tra. Rất mong cơ quan báo chí ủng hộ chủ trương này và chúng ta cương quyết không để lấn chiếm lại lòng, lề đường, tạo cảnh quan đô thị, TP đẹp hơn, văn minh hơn.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Mong báo chí ủng hộ chủ trương dẹp vỉa hè. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Chúng tôi sẽ theo sát vụ bổ nhiệm thần tốc ở Thanh Hóa. Ảnh: Nhật Bắc

Theo sát vụ bổ nhiệm thần tốc ở Thanh Hóa

. Việc bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa có liên quan đến một số cán bộ hiện đang giữ chức vụ thuộc UBND tỉnh này. Thủ tướng có chỉ đạo gì hay không?

+ Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Về việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa thì trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra tổng thể công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ của Sở Xây dựng giai đoạn 2010-2015, trong đó có việc quy hoạch bổ nhiệm bà Quỳnh Anh. Việc này là hoàn toàn đúng với chức trách, chức năng của lãnh đạo UBND tỉnh.

Theo quy định, các vụ việc đã có kết luận thanh tra của UBND tỉnh có thể sẽ được Thanh tra Chính phủ hoặc Thanh tra Bộ Nội vụ tiến hành thanh tra lại nếu như trong quá trình tiến hành hoặc thông qua báo cáo của Chính phủ gửi về hoặc thông qua Bộ Nội vụ, chúng tôi phát hiện có những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình tiến hành thanh tra.

Chúng tôi và Thanh tra Chính phủ sẽ thường xuyên theo dõi, bám sát để thực hiện nhiệm vụ này.

. Bà Quỳnh Anh hiện đã nghỉ việc thì có thanh tra khối tài sản của bà này nữa không?

+ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh: Về thanh tra tài sản của nguyên trưởng phòng Quỳnh Anh, thật ra cá nhân liên quan không còn là đối tượng kê khai tài sản, nên nếu xét về nghĩa vụ kê khai giải trình, cũng như thẩm quyền xác minh tài sản với đối tượng này không còn điều chỉnh theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng nữa.

Tuy nhiên, việc kê khai, minh bạch tài sản là một biện pháp để phòng, chống tham nhũng. Cái này không đồng nghĩa là nếu không còn là công chức nữa thì việc minh bạch tài sản người đó với tư cách một công dân không được điều chỉnh theo quy định pháp luật. Tức là nếu vi phạm quy định pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cũng xem xét xử lý theo quy định pháp luật, điều chỉnh với tư cách một công dân bình thường. Như vậy, việc không còn là cán bộ phải kê khai tài sản không đồng nghĩa với việc tài sản của người đó không có cơ quan nào xem xét nữa.

Đưa lên mạng bản kê khai tài sản, có bị xử lý?

.Vừa rồi dư luận xôn xao về việc bản kê khai tài sản trong hồ sơ cán bộ của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bị lọt ra ngoài. Vậy trong trường hợp cán bộ kê khai tài sản tại cuộc họp ở trụ sở cơ quan đơn vị, nếu cán bộ trong đơn vị đó chụp, công khai lên mạng thì họ có bị xử lý trách nhiệm gì không?

+ Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh: Về trường hợp của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trường hợp này thuộc diện Trung ương quản lý nên việc xem xét kiểm tra thì Đà Nẵng có phát ngôn rồi, tôi không đi sâu cụ thể.

Hiện nay, theo Nghị định 78/2013 và Thông tư 08/2013 của Thanh tra Chính phủ, việc kê khai, phạm vi, hình thức công khai được quy định rõ với từng đối tượng. Pháp luật đã có quy định việc công khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức cũng như người có chức vụ theo quy định để thực hiện giám sát và phục vụ cho quy định phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, trong nghị định cũng nói rõ hai loại chế tài. Một là với người kê khai phải trung thực đầy đủ, minh bạch. Nhưng mặt khác, pháp luật quy định cũng quy định rõ chế tài về những hành vi bị nghiêm cấm. Đó là khai thác trái pháp luật bản kê khai, lợi dụng sự minh bạch để gây mất đoàn kết nội bộ, gây khó khăn việc xác minh tài sản…

Về vấn đề chụp bản kê khai tung lên mạng thì từng trường hợp cụ thể phải xem đối tượng, mục đích là gì. Hai là bản thân người đăng tải có là đối tượng được tiếp nhận sự công khai không. Cần xem xét cụ thể, tiếp cận thận trọng nhưng tinh thần chung là hướng tới minh bạch, công khai.

Sự cố Formosa đến nay vừa tròn một năm (6-4-2016 – 6-4-2017). Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, bốn tỉnh miền Trung đã thực hiện nghiêm túc vấn đề kê khai, thanh toán tiền hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị thiệt hại, bị ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa.

Trong báo cáo của Bộ TN&MT đã kiểm tra Formosa có 53 điểm còn khiếm khuyết và đến nay được biết Bộ TN&MT báo cáo là Formosa đã khắc phục được 51 điểm. Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là khi nào Formosa bảo đảm các điều kiện để hoạt động, không để xảy ra sự cố như tháng 4-2016 sẽ tiếp tục cho hoạt động và nếu hoạt động không bảo đảm thì yêu cầu đóng cửa. Đây là quan điểm nhất quán mà người đứng đầu Chính phủ đã tuyên bố.

Bộ trưởng MAI TIẾN DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm