Phấn đấu đi xe biển xanh là mục đích của cuộc đời

“Khoán xe công”, chưa cần nghe các cơ quan của Bộ Tài chính báo cáo thì người dân cũng đã thấy lợi ích mà nó mang lại, bởi trước đến nay chi phí cho một chiếc xe công một năm trên 300 triệu đồng. Nếu khoán với mức khoảng 10 triệu đồng/xe thì mỗi năm cũng chỉ mất khoảng 120 triệu đồng. Một con số quá “hời” trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như hiện nay. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà bộ máy cồng kềnh và tinh giản biên chế vẫn còn rất khó khăn, việc tiết kiệm từ khoán xe công cũng như từ các khoản khác là nguồn đáng kể để tăng lương. Nếu như năm 2016, Chính phủ phải dành ra 11.000 tỉ đồng để tăng lương từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng, đồng nghĩa với việc chỉ riêng tiết kiệm khoán xe công này đã giúp tăng lương thêm 1/3 lần mức tăng lương năm 2016. Không những thế, hiệu ứng xã hội tích cực mà nó mang lại sẽ rất lớn khi mà người dân cảm thấy sự gần gũi và khoảng cách giữa cán bộ và người dân được rút ngắn đáng kể.

Còn nhớ chín năm trước, QH cũng đã có chủ trương này và kết quả đã có… một cán bộ nhận khoán. Đến nay ở Bộ Tài chính và một số nơi đã có nhiều người nhận khoán nhưng hầu như cán bộ ít hào hứng với việc này. Cái gì đã làm cho việc khoán xe công ì ạch suốt những năm qua mặc dù lợi ích không ai không nhìn thấy, phải chăng chính là sức hút mà chiếc xe biển xanh mang lại cho người ngồi trên đó. Rất nhiều người xem việc phấn đấu để được đi xe biển xanh là mục đích của cuộc đời, có lẽ vì vậy mà người ta không dễ dàng từ bỏ nó. Ngồi trên xe biển xanh tự thấy “oai hơn”, không may có vi phạm vẫn được du di cho qua, kể cả nơi đỗ, đậu xe, kể cả vào cổng của mỗi cơ quan, thấy xe biển xanh barie liền được mở, còn đi xe biển trắng cho dù là ai ngồi trên đó tài xế vẫn phải xuống trình bày…

Tất nhiên, việc khoán xe công không đơn giản bởi như có vị lãnh đạo từng nhận khoán xe công cho biết tự lái xe đi làm không tiện, bởi trên đường đi vẫn phải suy nghĩ công việc, phải nghe điện thoại, đặc biệt là sự phân biệt ưu tiên giữa xe biển trắng, biển xanh… Tuy nhiên, nếu việc khoán xe công được tính toán bài bản, cụ thể, sát đối tượng với mức khoán phù hợp chắc chắn sẽ nhận được đồng tình của người nhận khoán.

Để chủ trương này đi vào cuộc sống cần thật sự có quyết tâm rất cao và việc triển khai đồng bộ, nhất là rất cần vai trò gương mẫu của những cán bộ chủ chốt. Một chủ trương rất phù hợp và không thể không làm. Nhân dân đang chờ đợi xem quyết tâm này sẽ đi tới đâu hay vẫn nằm trên giấy như trước nay nó vẫn vậy.

ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG:

Báo chí, người dân giám sát xe công

Phấn đấu đi xe biển xanh là mục đích của cuộc đời ảnh 2

Vấn đề lạm dụng, sử dụng xe công như một đặc lợi hiện nay cần đặt ra. Có thể thấy rằng: Tình trạng này ở các địa phương mới là nghiêm trọng. Thông thường, dù phụ cấp chức vụ không có nhưng nhiều cán bộ, công chức ở địa phương vẫn được cấp xe công đưa đón. Điều này tốn kém hơn nhiều so với các chức danh thứ trưởng được cấp xe công ở trung ương.

Tình trạng này đòi hỏi phải rà soát, chấn chỉnh về tiêu chuẩn được cấp xe công vụ. Cần phải minh bạch hóa và xử lý lại những trường hợp không được cấp xe công mà vẫn sử dụng xe công như một thói quen. Khi vấn đề này được làm rõ để đảm bảo kỷ cương thì chắc chắn vấn đề lạm dụng xe công như một đặc lợi sẽ giảm đi, tiết kiệm được nhiều cho ngân sách.

Ở đây trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng và việc sử dụng xe công nên trở thành tiêu chí đánh giá người đứng đầu có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Khi gắn với trách nhiệm của người đứng đầu thì vấn đề lãng phí, lạm dụng, tận dụng xe công mới có thể được ngăn chặn khi chính người đứng đầu phải làm gương.

Tôi cho rằng việc giám sát của người dân và báo chí là rất quan trọng. Từng biểu hiện lạm dụng, tận dụng xe công như một đặc lợi nếu được người dân phản ánh, báo chí nêu lên công luận thì những người sử dụng xe công sẽ có ý thức hơn trong việc sử dụng tài sản công đúng mục đích.

TS LÊ ĐĂNG DOANH:

Thanh lý xe với giá rẻ mạt cũng là lạm dụng xe công

Phấn đấu đi xe biển xanh là mục đích của cuộc đời ảnh 3

Số lượng xe công hiện tại của Việt Nam quá lớn và bị lạm dụng nhiều. Đã đến lúc xem xét lại toàn bộ chế độ, không chỉ xe công mà còn các chính sách khác. Ở các nước giàu có như Thụy Điển, Thụy Sĩ… cũng không có chế độ xe công đưa đón như Việt Nam. Thủ tướng Thụy Điển còn tự lái ô tô hoặc đi các phương tiện công cộng đi làm chứ không có người đưa đón.

Trước đây đã từng có đề án về khoán chi phí đi lại cho mỗi người. Hoặc cũng có thời kỳ có quy định thứ trưởng phải hai người đi cùng một xe, chỉ có bộ trưởng mới được đưa đón. Thủ tướng năm 2007 cũng từng ban hành quyết định cho phép khoán xe công cho các chức danh từ thứ trưởng trở xuống.

Tuy nhiên, cho đến nay tình hình sử dụng xe công vẫn không có gì cải thiện. Số lượng xe công và các phí tổn đi kèm mà Bộ Tài chính mới công bố cho thấy điều đó. Những chủ trương đúng đắn về xe công chưa được thực hiện hiệu quả có thể là do thiếu quyết tâm và bị lợi ích nhóm chi phối, ngăn cản. Những người được hưởng chế độ xe công như hiện nay không có động lực để từ bỏ xe công hoặc không có sức ép đủ mạnh để bắt họ từ bỏ.

Chính vì vậy mà tình trạng lạm dụng xe công để đi ăn cưới, ăn hỏi, đám giỗ, lễ hội… vẫn còn xảy ra như báo chí phản ánh. Tuy vậy, còn một hình thức lạm dụng xe công nữa như chúng ta đã thấy, đó là việc thanh lý xe công với giá rất thấp, chỉ 46 triệu đồng/chiếc. Trong khi yêu cầu đặt ra khi thanh lý xe công là phải qua đấu thầu một cách công khai, minh bạch. Bởi nếu không công sản sẽ trở thành “tài sản tư” với giá rẻ mạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm