Phi công ‘buôn lậu’ cả tháng, sân bay còn… rà!

“Từ hôm trước đến hôm nay (16-4), chúng tôi vẫn đang tích cực rà soát các khâu an ninh, xem lỗ hổng nằm ở đâu dẫn đến việc thành viên phi hành đoàn hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt” - ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, cho biết hôm 16-4 khi đề cập đến việc cơ trưởng Vietnam Airlines mang lậu 6 kg vàng vào Hàn Quốc bị cơ quan chức năng nước sở tại bắt giữ.

Tương tự, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết đã yêu cầu Vietnam Airlines làm việc với phía Hàn Quốc về thông tin trên. “Nhưng đến nay thì Vietnam Airlines chưa có thông tin chính thức” - ông Thanh nói.

“Nghiệp vụ kém hoặc móc nối với an ninh, hải quan”

Trước đó báo chí Hàn Quốc thông tin cơ trưởng và tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines trên chuyến bay Hà Nội - Pusan ngày 10-3 mang theo vàng ký nhưng không khai báo đã bị hải quan tạm giữ tại sân bay Gimhae (Pusan, Hàn Quốc).

Cơ trưởng (phi công chính của tổ lái) Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong bị tạm giữ cách nay đã quá một tháng nhưng hiện Vietnam Airlines vẫn chỉ có thể khẳng định sẽ khẩn trương và tích cực hợp tác với các cơ quan điều tra để tìm hiểu, từ đó sẽ kiên quyết xử lý tùy mức độ vi phạm chứ không bao che. Còn ông Lại Xuân Thanh thì cho hay đang tiếp tục phối hợp với Vietnam Airlines theo dõi chặt chẽ diễn biến liên quan. Vụ việc đang được giới chức trách Hàn Quốc tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ danh tính các thành viên phi hành đoàn liên quan đến vụ việc.

Câu hỏi đặt ra là vì sao đơn vị tính của vàng là ký lại lọt máy soi của cơ quan an ninh, hải quan, trong khi theo quy trình, đeo sợi dây nịt cũng bị đề nghị tháo ra?

Một chuyên gia trong ngành cho biết thủ tục an ninh, kiểm tra hành lý của phi hành đoàn đều giống hành khách. Khác chăng là cửa kiểm tra an ninh, hải quan của phi hành đoàn được bố trí riêng. Do vậy nếu phi công, tiếp viên mang vàng, nữ trang dù đó là hành lý xách tay, ký gửi hay đeo trên người cũng đều bị phát hiện khi qua máy soi, máy rà kim loại. Đặc biệt, nếu là vàng, nữ trang thì phải khai báo hải quan. “để lọt số vàng này có thể là do nghiệp vụ an ninh, hải quan kém hoặc phi công, tiếp viên móc ngoặc thông đồng với cán bộ an ninh, hải quan” - vị này nhận xét.

Số vàng giấu trong giày cơ trưởng. Ảnh: Yonhap news

Lộ chiêu buôn lậu

Đại diện một hãng hàng không nhìn nhận tình trạng phi công, tiếp viên buôn lậu thường xảy ra trên các chuyến bay quốc tế, nhất là các chuyến bay đến Hàn Quốc, Nhật và châu Âu. Nhóm hàng buôn lậu chủ yếu là laptop, điện thoại, máy ảnh, iPad, quần áo, mỹ phẩm… Chất lượng hàng ở các nước này tốt, giá thấp nên nếu đưa về Việt Nam trót lọt, không phải chịu thuế sẽ có được lợi nhuận cao.

Báo chí Hàn Quốc đưa tin hai thành viên phi hành đoàn của Vietnam Airlines đã khai họ sẽ nhận được 250 USD cho mỗi ký vàng vận chuyển thành công.

Từ đó, một tiếp viên trưởng từng nhiều năm làm việc tại Vietnam Airlines nhận định tình huống này có thể cơ trưởng, tiếp viên chỉ vận chuyển giùm. Vị này cũng tiết lộ trước đây tiếp viên, phi công thường kiếm thêm thu nhập bằng việc xách tay về. Nhưng gần đây do giá các mặt hàng trong và ngoài nước chênh lệch không nhiều, lợi nhuận thấp nên tiếp viên, phi công mang hàng xách tay là theo đề nghị của người thân, bạn bè. “Dù trong trường hợp nào, muốn giấu hàng lậu ấy thì tiếp viên, phi công vẫn phải ăn chia với bộ phận hải quan của cả hai sân bay đi, đến. Nhưng có lúc họ chủ quan hoặc hải quan thay đổi người kiểm soát thì sự việc mới lộ” - vị tiếp viên trưởng nói.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đang phối hợp làm rõ

Tại buổi họp báo chiều 16-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết về việc hai nhân viên của hãng hàng không Vietnam Airlines mang theo vàng trên chuyến bay VN 426 khởi hành từ Hà Nội đi Busan hôm 10-3 nhưng không khai báo và bị phía Hàn Quốc bắt, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tích cực làm việc với các cơ quan chức năng tại đây để xác minh thông tin và giải quyết sự việc.

V.THỊNH

Một phi công, tiếp viên đủ sức buôn lậu

Đại diện một hãng hàng không cho biết trên các chuyến bay quốc tế phải chọn những phi công, tiếp viên có kinh nghiệm, ưu tiên biết tiếng của các nước đến. Việc phân lịch bay theo kiểu quay vòng, đảm bảo số giờ bay của các tiếp viên, phi công đồng đều nhau. Đây là những biện pháp để kiểm soát nội bộ.

Tuy nhiên, ở các hãng ít có chuyến bay quốc tế, số lượng tiếp viên, phi công ít còn khó kiểm soát việc buôn lậu thì nói gì đến Vietnam Airlines có cả ngàn tiếp viên thì việc kiểm soát càng khó khăn hơn. Số tiếp viên, phi công có đường dây buôn lậu ít và hãng có thể tráo đổi lịch bay nhưng vẫn chỉ cần một phi công, tiếp viên họ cũng có thể buôn lậu chứ không phải toàn bộ phi hành đoàn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy