Philippines kiện Trung Quốc như thế nào? - Kỳ 2: Động thái phòng vệ tối thiểu

Philippines kiện Trung Quốc như thế nào? - Kỳ 2: Động thái phòng vệ tối thiểu ảnh 1
 Tòa án trọng tài thường trực (PCA) làm việc trong tòa lâu đài này tại La Haye - Ảnh: PCA

Nỗi lòng Philippines

Ngày 23-1-2013, Bộ trưởng ngoại giao Philippines Albert del Rosario họp báo loan tin: “Chiều nay Philippines đã thực hiện bước đưa Trung Quốc ra trước một tòa án trọng tài theo điều 287 và phụ lục VII của Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) nhằm đạt đến một giải pháp hòa bình và bền vững cho các tranh chấp ở biển Tây Philippines”.

Bộ trưởng ngoại giao Albert del Rosario cho biết:”Vào khoảng 1g chiều nay, đại sứ Trung Quốc tại Philippines Ma Keqing đã được triệu tập đến Bộ Ngoại giao và đã được trao một văn bản của trợ lý ngoại trưởng Teresa Lazaro.

Công hàm chứa thông báo và tuyên bố khiếu nại của Philippines trước Tòa án trọng tài về tính hợp lệ của yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc vốn giành lấy gần như toàn bộ biển Nam Trung Hoa (tức biển Đông), bao gồm cả biển Tây Philippines, và yêu cầu Trung Quốc từ bỏ hoạt động bất hợp pháp vi phạm quyền chủ quyền và thẩm quyền của Philippines theo tinh thần UNCLOS 1982.

Thông báo này khởi động các thủ tục trọng tài dựa theo điều 287 và phụ lục VII của UNCLOS. Việc khởi động thủ tục trọng tài này chống lại đường chín đoạn của Trung Quốc là một biện pháp thực thi chính sách của Tổng thống Benigno Aquino nhằm tiến đến một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên biển Tây Philippines dựa trên luật pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS”.

Bộ trưởng ngoại giao Albert del Rosario trút hết nỗi lòng: “Philippines đã vắt kiệt gần như mọi phương thức chính trị và ngoại giao cho việc giải quyết bằng thương lượng hòa bình các tranh chấp trên biển với Trung Quốc. Nhiều lần, tính từ năm 1995, Philippines đã trao đổi quan điểm với Trung Quốc nhằm giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp. Cho đến nay, một giải pháp vẫn còn là xa vời. Chúng tôi hi vọng các thủ tục tố tụng trọng tài sẽ đến một giải pháp lâu dài cho tranh chấp này”.

Phải chăng khi chọn biện pháp pháp lý, Philippines đã “hất đi chén nước hữu nghị” với Trung Quốc?

Bộ trưởng Rosario giải thích: ”Hành động này là phản ứng thích hợp để đặt quan hệ ngoại giao của chúng tôi trong bối cảnh thích hợp của nó”.

Thế nào là “đặt quan hệ ngoại giao trong bối cảnh thích hợp của nó”? Nghĩa là “thời thế, thế thời phải thế!”. Nói thế chớ không phải là “hất văng chén nước đầy” đâu, ông Rosario quả quyết: ”Trong khi tiến hành thủ tục pháp lý, Philippines vẫn sẽ tiếp tục phát huy mọi nỗ lực để thúc đẩy về phía trước và tăng cường quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.

Vậy ra tòa để làm chi? Bộ trưởng Rosario: “Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, sẽ tạo thế cân bằng tuyệt vời trong việc giải quyết tranh chấp ở biển Tây Philippines”.

Lập trường Philippines

Bộ trưởng Albert del Rosario tóm tắt lập trường của Philippines như sau:

1. Philippines khẳng định điều mà Trung Quốc gọi là yêu sách đường chín đoạn bao gồm hầu như toàn bộ biển Đông/biển Tây Philippines là trái với UNCLOS, và do đó là bất hợp pháp.

2. Trong khu vực hàng hải bao phủ bởi đường chín đoạn, Trung Quốc cũng đã yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc chiếm đóng và xây dựng trên một số dải ngập nước, rạn san hô nhô lên khi thủy triều thấp không đủ điều kiện để được xem là các hòn đảo theo tinh thần UNCLOS; các cấu trúc này là một phần của thềm lục địa Philippines, hoặc đáy biển quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc đã chiếm đóng một số dải san hô nhỏ, không có người ở, hầu như chỉ nổi lên trên mặt nước chút ít khi nước rút, được gọi là “các tảng đá” theo điều 121 (3) của UNCLOS.

3.Trung Quốc đã can thiệp vào việc thực thi hợp pháp chủ quyền của Philippines trong vùng biển hợp pháp của mình, cũng như các cấu trúc nêu ở trên và trong các vùng biển xung quanh các cấu trúc đó.

...Trong bối cảnh đó, Philippines yêu cầu Tòa án trọng tài ra tuyên phán rằng:

- Chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển trong biển Nam Hải (tức biển Đông), cũng như chủ quyền của Philippines, là những quyền được ấn định bởi UNCLOS, bao gồm chủ quyền đối với một lãnh hải và vùng tiếp giáp (căn cứ theo phần II của UNCLOS), chủ quyền đối với một vùng đặc quyền kinh tế (căn cứ theo phần V), và chủ quyền đối với một thềm lục địa (căn cứ theo phần VI);

- Rằng yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông dựa trên cái gọi là đường chín đoạn của Trung Quốc là trái với UNCLOS và không hợp lệ;

- Yêu cầu Trung Quốc đặt để luật pháp nội bộ của Trung Quốc khớp với các nghĩa vụ của Trung Quốc đối với UNCLOS; và

- Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng biển của Philippines trong biển Tây Philippines.

Philippines khẳng định rằng Tòa án trọng tài có thẩm quyền tài phán và ra quyết định dựa trên thông báo và tuyên bố yêu sách của Philippines do lẽ đây là sự tranh chấp về việc giải thích và áp dụng các nghĩa vụ đối với UNCLOS bởi các quốc gia thành viên. Điều 287 (1) của UNCLOS quy định rằng “giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng công ước này” có thể được các bên tham gia công ước viện dẫn đến để giải quyết căn cứ theo phần XV của UNCLOS. Philippines khẳng định thêm rằng yêu cầu của mình là rất có cơ sở thực tế và pháp lý, dựa trên thông báo và tuyên bố yêu sách cùng các tài liệu bổ sung sẽ được trình trong quá trình tố tụng trọng tài.

Nghe qua việc “Philippines kiện Trung Quốc”, tưởng chừng như ”cạn tàu ráo máng”, song xét kỹ lập trường tranh tụng của Philippines thì thấy đơn giản là nhờ phân xử xem cách giải thích UNCLOS của bên nào là chính xác!

 

-Tòa án trọng tài thường trực (PCA) là một tổ chức liên chính phủ được thành lập theo Công ước La Haye năm 1899 về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Với trụ sở chính đặt tại cung Hòa bình ở La Haye, Hà Lan, PCA tạo điều kiện cho việc tài phán, hòa giải, điều tra cùng các thủ tục tố tụng khác giải quyết tranh chấp giữa các khối quốc gia, các đơn vị nhà nước, các tổ chức liên chính phủ và các bên tư nhân. Philippines đã chọn tòa này làm trọng tài.

-Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) là một cơ quan tư pháp độc lập được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển để phân xử các tranh chấp phát sinh từ việc giải thích và áp dụng công ước. Tòa án có trụ sở tại Hamburg (Đức), bao gồm 21 thành viên độc lập, được bầu trong số người có tiếng tăm là công bằng, chính trực và có thẩm quyền nhất trong lĩnh vực Luật biển.

Theo DANH ĐỨC (Tuổi trẻ)

Kỳ tới: Tại sao Bắc Kinh “đánh bài chuồn”?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm