Quan chức bỏ trốn do quản lý lơi lỏng

Pháp luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trọng Đạt (ảnh), Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), xung quanh vấn đề kiểm soát tài sản quan chức cũng như phát hiện các sai phạm, kịp thời ngăn chặn tình trạng quan chức vi phạm rồi trốn ra nước ngoài.

. Phóng viên:Thưa ông, tình trạng quan chức sai phạm làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của Nhà nước rồi trốn ra nước ngoài hoặc tẩu tán tài sản đi cùng đang gây ra nhiều bức xúc cho dư luận trong công tác quản lý cán bộ. Ông nhìn nhận gì về điều này?

+ Ông Phạm Trọng Đạt: Ở đây phải nói rõ là có trường hợp do mình chưa quản lý được, không giám sát được cán bộ sai phạm, như trường hợp Trịnh Xuân Thanh đến khi trốn ra nước ngoài rồi mới điều tra tài sản ở chỗ này chỗ kia…

Theo tôi, cái này cần phải có cơ chế quản lý, giám sát thật tốt con người và tài sản của cán bộ. Đồng thời, hành lang pháp lý liên quan về vấn đề này cũng phải quy định thật chặt chẽ.Trong đó, trước hết cần xây dựng trung tâm thông tin để xử lý các vấn đề kê khai tài sản của quan chức, điều này sẽ giúp kiểm soát biến động tài sản, phát hiện sai phạm để xử lý nghiêm.

. Cụ thể, theo ông các cơ quan quản lý cán bộ liên quan phải làm gì?

+ Trước hết, trong quá trình thanh tra, điều tra mà phát hiện được sai phạm lớn của các quan chức thì phải có biện pháp để ngăn chặn bỏ trốn, tẩu tán tài sản ra nước ngoài. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu, hành vi vi phạm phải tính đến việc kê biên, phong tỏa tài sản thì mới giải quyết được vấn đề.

Trịnh Xuân Thanh và căn biệt thự triệu đô được cho là có liên quan đến tài sản của Thanh ở thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh: Internet

Muốn làm được điều này thì ngay từ đầu phải quản lý tốt tài sản của cán bộ, đảng viên, cả về sự biến động tài sản của họ, chứ đừng đợi đến lúc vi phạm thì mới quản lý. Khi đó cán bộ vi phạm đã trốn, tẩu tán tài sản như những trường hợp vừa qua.

. Như vậy, vừa qua Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy bỏ trốn ra nước ngoài cho thấy việc giám sát, kiểm soát tài sản của quan chức có những bất cập, lỗ hổng trong quản lý đối với cán bộ sai phạm?

+ Khi họ vi phạm nhưng chưa thuộc diện cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật thì không ai cấm được việc họ xuất cảnh. Ví dụ như Trịnh Xuân Thanh, khi xin đi nước ngoài chữa bệnh, không ai ngăn chặn được và cứ đi thôi.

Điều đó buộc chúng ta ngay từ đầu phải chặt chẽ trong công tác quản lý, giám sát cán bộ, nhất là đối với những cán bộ đã có dấu hiệu sai phạm. Bấy lâu nay mình làm chưa được tốt điều này cho nên mới xảy ra chuyện như thế! Thời gian tới chúng ta cần phải siết lại tình trạng quản lý lỏng lẻo này.

Cần thiết phải thanh tra việc cán bộ hay đi nước ngoài, xem cái việc đi chữa bệnh, du lịch, học tập cụ thể là như thế nào.

. Xin cám ơn ông.

Sợ công khai tài sản thì đừng làm cán bộ!

Hiện nay chúng ta đang có tình trạng ai cũng muốn làm cán bộ nhưng không chịu chấp hành quy định của cán bộ. Chẳng hạn như nếu làm cán bộ phải kê khai tài sản, kê khai trung thực và công khai tài sản theo quy định. Tuy nhiên, điều này chưa được chấp hành tốt và nhiều người còn sợ kê khai, công khai. Theo tôi, sợ kê khai, công khai tài sản thì đừng làm cán bộ nữa!

Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm