Quản lý thị trường đâu phải thích là kiểm tra

Cho ý kiến về Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT) tại phiên làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) chiều 10-12, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói: “Nếu thấy có nghi ngờ hoặc có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng thì mới được kiểm tra chứ không phải cứ thích là ra chợ, ra siêu thị kiểm tra người kinh doanh, cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của người dân”.

Theo Chủ tịch QH, đội ngũ cán bộ QLTT phải chuyên nghiệp, đặc biệt đề cao đạo đức nghề nghiệp và tuyệt đối không được đụng đến quyền tự do kinh doanh của người dân. Nguyên tắc làm việc là chỉ khi phát hiện hàng hóa đó có dấu hiệu làm gian dối, sai phạm thì mới kiểm tra.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch QH đề nghị cần phải quy định rõ: Điều kiện để QLTT vào cuộc là khi phát hiện có dấu hiệu đó là hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, hàng có chứa chất cấm hoặc có hàm lượng không đúng quy định cho phép của pháp luật… chứ không phải kiểm soát toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh hàng hóa.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho ý kiến về Pháp lệnh Quản lý thị trường vào ngày 10-12. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Tán thành với việc cần thiết ban hành pháp lệnh nhưng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Lê Minh Thông băn khoăn: “Đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, người kinh doanh nhưng rất nhiều chế tài lại giao Chính phủ quy định cụ thể thì không phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013. Ít nhất trong pháp lệnh phải quy định cụ thể luôn, nhất là các biện pháp thanh-kiểm tra đặc biệt, thời hạn thanh-kiểm tra… nhằm đảm bảo minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh”.

Nhiều ý kiến khác cũng nhận định quy định về chức năng kiểm tra của lực lượng QLTT như trong dự thảo là quá rộng. Cụ thể, dự thảo quy định phạm vi kiểm tra của QLTT là kiểm tra “hoạt động thương mại”. Các ý kiến cho rằng đây là nội hàm khá rộng, bao gồm cả thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ có thể chồng chéo với chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ của các cơ quan khác. Vì vậy cần phải làm rõ phạm vi kiểm tra đối với hoạt động công nghiệp, phân biệt chức năng thanh tra chuyên ngành công thương của QLTT và các đơn vị khác của Bộ Công Thương. 

Bác đề xuất giảm thuế cho gỗ

Sáng cùng ngày 10-12, Ủy ban TVQH đã thống nhất thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Biểu mức thuế suất này có hiệu lực thi hành từ 1-7-2016. Theo tờ trình, ngoài một số tài nguyên giữ nguyên mức thuế suất hiện hành (bauxite, niken, nước mặt, yến sào thiên nhiên, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than), còn lại khoáng sản kim loại và không kim loại có mức tăng thấp nhất là 2%, cao nhất 6%. Dự kiến sau điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỉ đồng so với số thu năm 2014.

Riêng về nhóm gỗ rừng tự nhiên, tờ trình của Chính phủ đề nghị giảm mức thuế suất thuế tài nguyên với gỗ nhóm I từ 35% xuống 30%; gỗ nhóm II từ 30% xuống 25%; gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 18%; gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 12%. Tuy nhiên, các ý kiến tại Ủy ban TVQH cho rằng nên giữ mức thuế suất như hiện hành đối với gỗ nhóm I, II, III vì đây là nhóm gỗ quý nằm trong rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ… Nếu giảm mức thuế suất sẽ vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng. Theo đó mức thuế suất tài nguyên đối với gỗ nhóm I, II, III được giữ nguyên như hiện hành. Các nhóm gỗ khác có mức giảm như tờ trình của Chính phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm