Quản lý xe ôm... sẽ phát sinh xe ôm “dù”

Theo dự thảo, người sử dụng các loại xe thô sơ, môtô hai, ba bánh và các loại xe tương tự chỉ được chở khách, chở hàng khi tham gia các đơn vị quản lý như tổ, đội, nghiệp đoàn tự quản và phải đăng ký với địa phương nơi hoạt động. Lái xe phải mặc đồng phục (dự kiến màu xanh) và trên áo phải gắn logo theo từng quận, huyện.

Nhiều đại biểu cho rằng việc chấn chỉnh tổ chức hoạt động của xe ôm cho trật tự, quy củ là cần thiết. Tuy vậy, hãy để người lái xe lựa chọn nên hay không nên gia nhập nghiệp đoàn và cũng không nên xem đây là điều kiện để đánh giá xe ôm “hợp pháp” hay xe ôm “dù”. Ngoài ra, quy định này sẽ gây khó cho một số cán bộ, công chức tranh thủ chạy xe kiếm thêm thu nhập, từ đó phát sinh đội ngũ xe ôm “dù”.

Dự thảo cũng yêu cầu xe gắn máy, môtô hai bánh phải đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, yêu cầu có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đảm bảo khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần bỏ quy định này bởi hiện không có quy định kiểm tra khí thải đối với xe gắn máy, môtô hai bánh.

Đáng chú ý, ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho rằng quy định quản lý như trong dự thảo sẽ không gây phiền hà cho người dân, bởi hoạt động của tổ, đội, nghiệp đoàn mang tính chất tự nguyện. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã chỉ rõ để được cấp phép hoạt động, dự thảo quy định người dân phải nộp khá nhiều loại giấy tờ (đơn xin cấp phép theo mẫu, CMND, hộ khẩu hoặc KT3, giấy đăng ký xe…). Đối với một số người, những thủ tục này khá nhiêu khê, do đó không thể nói là không gây phiền hà.

KIỀU PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm