Quảng Nam tung chiêu dẹp phá rừng

Dư luận đang rất bức xúc trước tình trạng nạn phá rừng liên tục xảy ra ở Quảng Nam thời gian gần đây. Pháp Luật TP.HCM có cuộc đối thoại với ông Lê Trí Thanh (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người đã có bức tâm thư thống thiết gửi cho lực lượng kiểm lâm tỉnh này) xoay quanh câu chuyện rừng già Quảng Nam và lương tâm người bảo vệ rừng xanh.

Ông Thanh nói: “Nhìn cây rừng ngã xuống như thế này, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”.

Phải giải mã việc phá rừng bằng cả lương tâm

 . Phóng viên: Bức tâm thư của ông viết cho kiểm lâm phải chăng là sự cô độc của ông trước cảnh rừng già bị tàn phá, cũng như những nghi vấn về chuyện kiểm lâm bắt tay với lâm tặc để phá rừng, thưa ông?

+ Ông Lê Trí Thanh: Bức thư được tôi gửi khi lực lượng kiểm lâm tỉnh họp sơ kết quý I về công tác bảo vệ rừng. Có hay không việc lực lượng kiểm lâm bắt tay, bao che cho lâm tặc là câu hỏi mà nhân dân, dư luận đang đặt ra. Trong bức tâm thư tôi mong muốn anh em kiểm lâm dự họp hãy trả lời những câu hỏi đó bằng tất cả lương tâm và lòng tự trọng của mình. Vì tại sao các vụ việc phá rừng diễn ra như thế mà các anh không biết?

. Việc đóng cửa rừng tại Quảng Nam đã có từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn làm lãnh đạo tỉnh. Nhưng đến nay việc phá rừng không giảm đi mà ngày càng diễn ra phức tạp, vì sao thế?

+ Khi các vụ phá rừng xảy ra, ai cũng đều đau xót hết. Bởi vì rừng là của chung, của mọi người chứ không chỉ của Quảng Nam. Nhưng chúng ta cũng cần có cái nhìn toàn diện: Tại sao mà Quảng Nam lại là tâm điểm của phá rừng?

Thứ nhất, ở Quảng Nam là nơi giao thoa về khí hậu rất đặc trưng nên các loại gỗ quý còn sót lại ở đây rất là nhiều. Thứ hai nữa là chúng tôi có diện tích rừng rất là lớn và trữ lượng rừng rất cao, điều kiện địa hình rất hiểm trở, có nơi vách núi dựng đứng nên rất khó trong việc kiểm tra, xử lý nhưng lực lượng bảo vệ rừng của Quảng Nam so với khu vực các tỉnh khác thì chúng tôi là mỏng nhất.

Lực lượng đã mỏng rồi nhưng anh em kiểm lâm Quảng Nam lại già yếu, mất sức vì ở trên rừng quá lâu, già yếu chiếm tới 45% quân số. Cho nên việc bảo vệ rừng cũng rất là khó.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng lực lượng kiểm lâm vào hiện trường một vụ phá rừng ở rừng huyện Đông Giang sáng 30-3. Ảnh: HẢI HIẾU

Ngoài ra, năng lực và tính quyết tâm của anh em để chống chọi lại lâm tặc vốn rất manh động, hung hãn còn chùn tay. Họ rất e ngại khi đối đầu với các đối tượng này từ các tỉnh khác đổ về. Chúng tôi cũng không loại trừ có việc móc nối, tiêu cực, làm ngơ trong quá trình thực thi công vụ. Những lý do trên dẫn đến tình trạng phá rừng xảy ra tại Quảng Nam như thời gian qua.

. Phần trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm có thể nhìn thấy được trước cảnh rừng xanh bị tàn phá nhưng là người lãnh đạo được giao phụ trách “gác cổng” vấn đề này, ông thấy trách nhiệm của mình như thế nào?

+ Tôi là người được giao phụ trách, tôi thấy mình có phần trách nhiệm khi để xảy ra các vụ phá rừng trên địa bàn. Chính vì thấy có trách nhiệm trong việc này nên gần ba năm nay tôi dành rất nhiều thời gian để lăn lộn vào rừng cùng anh em.

Khi đi vào rừng, tôi mới hiểu nguyên nhân vì sao lại xảy ra phá rừng nhiều như vậy. Từ đó để tìm ra các biện pháp, công cụ nhằm quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn.

Ai vi phạm sẽ bị xử lý rất nặng

. Quảng Nam sẽ làm gì để “khép” lại câu chuyện phá rừng này?

+ Chúng tôi đã có một cuộc tổng “đại phẫu” như đã nói ở trên và đưa ra những giải pháp căn cơ, quyết liệt trong bảo vệ rừng.

Cụ thể, chúng tôi sẽ hoàn thiện hơn phần mềm theo dõi hiện trạng rừng do Tổng cục Lâm nghiệp triển khai. Vì phần mềm này chỉ mới dừng lại ở việc theo dõi hiện trạng thôi, chúng tôi thấy thế là chưa đủ và Quảng Nam sẽ xây dựng một phần mềm nữa tích hợp vào để theo dõi toàn bộ diễn biến của rừng.

Chúng tôi sẽ phát các thiết bị cầm tay là các điện thoại smartphone, iPad… với số lượng hàng trăm cái cho những người bảo vệ rừng để theo dõi thường xuyên biến động khu vực rừng mình tuần tra, kiểm soát thông qua các thiết bị này. Vệ tinh địa thám sẽ chụp hình ảnh biến động liên tục của rừng và gửi về để phát hiện sớm ở lô nào, khoảnh nào có dấu hiệu rừng bị phá và chúng tôi xử lý ngay. Tôi cũng tính tới phương án sẽ gắn chip trên cây rừng tại khu vực điểm nóng, khi có hiện tượng phá rừng sẽ báo động ngay lập tức.

. Nhưng lâm tặc không sợ smartphone và iPad, thưa ông? Còn biện pháp nào mạnh tay hơn để dẹp nạn phá rừng không?

+ Muốn đánh được lâm tặc trước hết mình phải chiến thắng nỗi sợ và hành vi tiêu cực của chính lực lượng bảo vệ rừng. Tức là phải làm trong sạch lực lượng cái đã.

Tôi ra một văn bản chỉ đạo tất cả người làm trong ngành phải tự nguyện làm bản cam kết, nếu vi phạm sẽ bị xử lý ở mức cao nhất. Thông điệp của lãnh đạo tỉnh là ai vi phạm cũng đều bị xử lý nặng.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ quy trách nhiệm cụ thể đến từng ông chủ tịch xã, chủ tịch huyện, rồi các ông hạt trưởng kiểm lâm, trưởng ban quản lý rừng.

Chúng tôi phải xáo trộn lại lực lượng kiểm lâm để tổ chức khoa học hơn. Việc tổ chức lại lực lượng kiểm lâm ở Quảng Nam nếu thấy hợp lý với thực tiễn ở địa phương nhưng nó không phù hợp với quy định của pháp luật thì chúng tôi sẽ ra các bộ, ngành trung ương xin phép được làm thí điểm. Tôi sẽ quyết tâm và mạnh dạn làm điều đó.

. Xin cám ơn ông.

Rừng Quảng Nam liên tiếp bị tàn phá

- Mới đây, đầu tháng 4, Công an huyện Nam Giang bắt sáu bị can khi đang xẻ năm cây gỗ tại khu vực khe Bưa giáp ranh huyện Nam Giang và huyện Tây Giang. Sau khi mở rộng điều tra vụ phá rừng lim quy mô lớn tại huyện Nam Giang, lực lượng chức năng thống kê có 33 cây lim xanh rừng tự nhiên với trên 223 m3 bị chặt hạ.

- Giữa tháng 9-2017, nạn phá rừng quy mô lớn đã diễn ra ở xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước). 100 ha rừng, hàng ngàn cây gỗ bị đốn hạ. Sau khi báo chí phản ánh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tỉnh Quảng Nam điều tra, xử lý. Sau đó những đối tượng phá rừng bị khởi tố, nhiều cán bộ có liên quan bị kỷ luật.

- Giữa năm 2016, vụ phá rừng pơ mu ở địa phương này đã gây chấn động dư luận. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang; đồn trưởng, chính trị viên và đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang bị đình chỉ công tác. Sau đó, hàng loạt đối tượng phá rừng và các cán bộ có liên quan bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử.

Công khai email và điện thoại

Phó Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh đã công khai email (thanhquangnam70@gmail.com), điện thoại (0903.555.444) và có văn bản kêu gọi mọi người dân tố giác các hành vi tội phạm và tiếp tay, bao che cho tội phạm liên quan đến rừng.

“Tới đây tôi sẽ cho công khai email, số điện thoại tới từng khu dân cư để tiếp nhận thông tin từ nhân dân - ông Thanh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm