Quảng Ngãi: Nhà máy xả thải, cá chết hàng loạt

Trong 10 ngày qua, đồng ruộng xung quanh nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (gọi tắt là Công ty Dầu khí miền Trung) ở thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) xảy ra hiện tượng cá, ốc, tép… chết nổi trắng bốc mùi hôi thối. Trên 100 hộ dân ở đội 1, thôn Đông Lỗ không chịu nổi ô nhiễm nên nhiều hộ phải dời nhà đi tìm chỗ ở tạm và không dám sử dụng nguồn nước tại chỗ để sinh hoạt. Trong ngày 13-2, nhiều hộ dân bức xúc đã ra chặn không cho ô tô ra vào nhà máy và yêu cầu giải quyết, xử lý ô nhiễm, bồi thường thiệt hại cho dân. Người dân cho rằng chính nước thải của nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất xả thải ra làm tôm, cá chết và gây ô nhiễm.

Ngày 13-2, ông Hồ Sỹ Long, Giám đốc Công ty Dầu khí miền Trung, xác nhận nguyên nhân gây ra vụ việc này chính là do nước thải chưa qua xử lý từ nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất bị thất thoát ra ngoài trong quá trình vận hành chạy thử nhà máy.

Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi làm việc trực tiếp với người dân và lãnh đạo nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất. Tại cuộc họp, lãnh đạo nhà máy thừa nhận sai sót và cam kết sẽ xử lý ngay ô nhiễm, không để sai phạm lặp lại và hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Ông Phạm Như Sô, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo các ngành chức năng kéo ống dẫn nước sạch để người dân có nước sinh hoạt. Ông cũng yêu cầu nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất phải khẩn trương khoanh vùng, xử lý dứt điểm ô nhiễm; Công ty Dầu khí miền Trung phải chịu trách nhiệm đứng ra hỗ trợ cho số hộ dân bị thiệt hại.

Quảng Ngãi: Nhà máy xả thải, cá chết hàng loạt ảnh 1

Cá chết dày đặc quanh nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất. Ảnh: LUẬN NGỮ

Được biết nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất có vốn đầu tư 100 triệu USD vừa đi vào vận hành chạy thử để sản xuất xăng sinh học E5 vào đầu tháng 2.

Ngày 13-2, ông Ngô Chí Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Cà Mau, cho biết nhà máy Đạm Cà Mau đã tạm ngưng hoạt động đến ngày 16-2 để xử lý vụ cá chết. Sáng 13-2, đoàn khảo sát của Sở TN&MT, Cảnh sát môi trường huyện U Minh tiếp tục khảo sát tình hình cá chết trên sông Cái Tàu. Kết quả không còn thấy cá chết thêm, một số loài cá đã xuất hiện trở lại trên đoạn sông ô nhiễm. “Nếu người dân có thiệt hại thực tế và đề nghị bồi thường thì nhà máy phải có trách nhiệm xem xét giải quyết” - ông Hưng nói.      

Trước đó, từ ngày 7-2, người dân trên bờ sông Cái Tàu (xã Khánh An, huyện U Minh) phát hiện cá chết trên sông. Cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau kiểm tra phát hiện trong nước có mùi hóa chất. Lãnh đạo nhà máy Đạm Cà Mau thừa nhận trong quá trình mới vận hành đã xảy ra sự cố rò rỉ gas và đang khẩn trương khắc phục.

Nhà máy Đạm Cà Mau là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư gần 800 triệu USD. Nhà máy bắt đầu hoạt động cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 31-1.

LUẬN NGỮ - TRẦN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm