'Quốc hội bảo cán bộ đi xe chừng 1.8 nhưng thực tế toàn đi 2.4'

"Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi"
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng chúng ta phải tiết kiệm, chắt chiu từng đồng thuế của dân. Thế nhưng năm nào cũng có vấn đề, như năm ngoái định lấy tiền cổ phần hóa các doanh nghiệp (DN) nhà nước để bù vào phần thiếu hụt do giá dầu thô giảm.
"Dù có cố gắng nhưng có vấn đề là tại sao lại cứ phụ thuộc dầu thô thế?" - ông Minh hỏi và cho biết năm nay ngành hải quan có giảm nợ đọng nhưng ngành thuế lại tăng, đây là vấn đề cần phải xem lại. "Chúng ta cứ bảo chống thất thu, thu đủ, thu đúng nhưng trên thực tế thì không phải như vậy".
Đại biểu Ngô Văn Minh

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam).

Vị đại biểu này đặt vấn đề: Nhiều dự án tăng hơn 300 triệu USD, ai chịu trách nhiệm? Kí túc xá cho sinh viên không có ai ở, chợ không có người họp, trường nghề không có người học… ai chịu trách nhiệm?
"QH bảo cán bộ đi xe chừng 1.8 nhưng thực tế thì cán bộ toàn đi xe 2.4. Ai kiểm soát cái này? Chính phủ nói sẽ đi đầu, nêu gương nhưng thực tế thì như thế nào?" - ông Minh truy.
Cũng theo vị đại biểu này, một việc quan trọng trong chi tiêu, quyết toán ngân sách là việc tiền trảm hậu tấu. 26.169 tỉ đồng chi vượt ngân sách thế mà Ủy ban Tài chính ngân sách của QH lại đề nghị phê duyệt.
"Rút kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi. Chúng ta phải làm nghiêm, không thể nói cho qua rồi QH quyết toán" - ông Minh nhấn mạnh.

"Nếu còn tái diễn, tôi sẽ không bấm nút thông qua"

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng chia sẻ: Tôi đọc rất kỹ báo cáo của kiểm toán nhà nước, có rất nhiều vấn đề về kỷ cương. Một câu tôi đọc khá buồn: Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đều chi không đúng chế độ, định mức. Một số địa phương hụt thu nhưng lại không cắt giảm nhiệm vụ chi. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều năm.
"Đề nghị Chính phủ hết sức lưu ý và thận trọng. Nếu tình trạng này còn xuất hiện, tôi sẽ không thông qua báo cáo quyết toán ngân sách trong những kỳ tiếp theo" - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cũng nêu: Báo cáo kiểm toán dù chỉ hạn chế ở một số đơn vị nhưng sai phạm thì rất nhiều, với những con số rất lớn. 
"Tôi đề nghị Chính phủ cần nhìn lại tính kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề giám sát trong thời gian tới. Từ TP.HCM cho thấy nhiều sai sót do khách quan, nhiều yêu cầu chi do cấp bách, nhiều nguồn thu bất ngờ… Chúng ta cần xem xét ở hai góc độ: khách quan và chủ quan trong dự đoán. Nếu là khuyết điểm chủ quan thì phải xử lý" - bà Quyết Tâm nói và kiến nghị cần sớm xem xét lại Luật Ngân sách xem có gì bất cập so với thực tiễn hay không. Nhất là vấn đề phân cấp chưa rõ ràng trong luật, điều này không tạo sự tự chủ cho nhiều địa phương.
Cần thiết thì phải xử lý hình sự
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị cho thanh tra, kiểm tra các đơn vị vi phạm. "Không thể để tình trạng vi phạm ngân sách cứ lặp đi lặp lại thế này. Tôi đề nghị phải giao cho các cơ quan thanh tra, công an điều tra, xem xét. Nếu cần thiết thì phải xử lý hình sự. Nếu không thì lại cứ chỉ ra nhiều sai phạm rồi lại thông qua thì không có tác dụng" - bà Khánh nói.
Bà Khánh cũng nêu thực tế ngân sách chi cho KHCN chỉ còn 1,36%. Thế nhưng tỉ lệ ít ỏi này nhiều khi lại được dùng đi làm việc khác.
"Nếu có tình trạng này, tôi đề nghị phải làm rõ, cần thiết thì phải xử lý hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính và Bộ KHCN kiểm tra đơn vị nào không chi đủ tỉ lệ ngân sách cho KHCN thì phải xử lý. Đây là bước chấn chỉnh kỷ cương nhà nước" - bà Khánh đề nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm