Quốc hội nói về đại biểu Đinh La Thăng, Võ Kim Cự

Chiều 19-5, Tổng Thư ký Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, QH khóa XIV. Báo chí đã hỏi nhiều về trường hợp thôi nhiệm vụ đại biểu (ĐB) QH với ông Võ Kim Cự và việc ông Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt về Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Thôi nhiệm vụ vì không đủ sức khỏe là bình thường

Về việc ông Võ Kim Cự xin thôi nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe, báo chí đặt vấn đề: Nhân việc này QH có rút ra bài học gì về kiểm tra, chăm sóc sức khỏe ĐBQH?

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: Sau khi bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật thì ông Võ Kim Cự có đơn xin thôi nhiệm vụ ĐBQH vì lý do sức khỏe. “Thẩm quyền thuộc Ủy ban Thường vụ QH và sau khi xem xét, ủy ban đã đồng ý cho ông Võ Kim Cự thôi nhiệm vụ ĐB” - ông Phúc nói.

Ông Phúc nói thêm sức khỏe con người thì nay khỏe mai yếu là chuyện bình thường. Có người chủ quan không đi khám thường xuyên nên không lường được mình sẽ mắc bệnh gì. “Vì vậy ĐBQH khi thấy sức khỏe yếu và xin thôi nhiệm vụ cũng là chuyện bình thường” - ông Phúc nói.

Không thỏa mãn, báo chí hỏi tiếp: Sau sự cố Formosa, ông Võ Kim Cự bị Ban Bí thư kỷ luật liệu có còn uy tín? Nếu không còn uy tín thì QH phải bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông chứ không thể chấp thuận cho ông thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về kỳ họp sẽ khai mạc ngày 22-5. Ảnh: C.LUẬN

Ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: Tháng 10-2015, ông Võ Kim Cự thôi chức bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Lúc đó ông mới mời được một doanh nghiệp lớn về đầu tư ở địa phương. Cuối năm 2015, ông ra Hà Nội làm chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Hiện tượng cá chết xảy ra vào tháng 4-2016, trước cuộc bầu cử QH khóa XIV và lúc đó chưa xác định nguyên nhân cá chết là gì. Hai tháng sau cuộc bầu cử, cơ quan chức năng mới xác định nguyên nhân cá chết là do Formosa. “Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam giới thiệu ông Võ Kim Cự ứng cử với cương vị là chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và ông Cự trúng cử tại Hà Tĩnh với tỉ lệ 75%. Điều đó cho thấy không phải ông Cự bị kỷ luật rồi mà vẫn được giới thiệu ứng cử QH” - ông Phúc giải thích.

Gút việc này, ông Phúc nói: “Sau sự cố Formosa, ông Võ Kim Cự cũng suy sụp tinh thần, sức khỏe yếu và cũng thấy mình không thể đảm đương được nhiệm vụ ĐBQH nữa nên đã làm đơn xin thôi nhiệm vụ”.

Về trường hợp của ông Đinh La Thăng, ông Phúc thông tin: Sau khi thôi chức ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy và trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM, ông Đinh La Thăng đã có đơn xin chuyển sinh hoạt về đoàn Thanh Hóa. “Đoàn Thanh Hóa cũng có văn bản xin ông Đinh La Thăng. Ủy ban Thường vụ QH xem xét và đã chấp thuận” - ông Phúc nói.

Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn

Thông tin về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 3, ông Đinh Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho hay: QH sẽ khai mạc vào ngày 22-5 và dự kiến bế mạc vào ngày 21-6.

Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Từ đầu nhiệm kỳ, một số ĐBQH đã bị miễn nhiệm, xin nghỉ hoặc từ trần, liệu có tính chuyện bầu cử bổ sung? Ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: Từ đầu nhiệm kỳ QH có năm ĐB không còn nắm giữ nhiệm vụ nhưng chỉ khi nào khuyết 10% ĐB thì mới tiến hành bầu cử bổ sung.

Trả lời báo chí về nghị quyết xử lý cán bộ về hưu, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay: QH đang chờ Chính phủ trình dự thảo nghị quyết này. Vấn đề này cũng sẽ được đề cập trong quá trình sửa đổi Luật Cán bộ, công chức. Hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ chuẩn bị dự thảo nghị quyết này.

Về việc kỳ họp này không xem xét, thảo luận Luật Biểu tình, ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích: Quyền biểu tình đã được hiến định và phải được thể chế hóa. Mặt khác, quan điểm của QH là một dự thảo luật như Luật Biểu tình khi trình ra phải đảm bảo được chất lượng, yêu cầu về an ninh, quốc phòng. “Dự luật Biểu tình trước đây Chính phủ trình chưa đảm bảo chất lượng nên Chính phủ đang chuẩn bị lại” - ông Phúc cho hay.

Đặc biệt, theo ông Phúc, trong kỳ họp thứ 3, thời gian chất vấn của QH sẽ tăng lên ba ngày thay vì 2,5 ngày như trước đây. “Các thành viên Chính phủ, các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực liên quan sẽ trả lời chất vấn của ĐB. Cuối cùng, Thủ tướng cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn” - ông Phúc giải thích với PV sau khi cuộc họp báo kết thúc.

Trong kỳ họp, QH sẽ dành 13,5 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 13 dự án luật và cho ý kiến về năm dự án luật khác. QH cũng dành 6,5 ngày để thảo luận về các báo cáo của Chính phủ, trong đó có các báo cáo về ngân sách, về kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm. Trong 11 nghị quyết được thảo luận sẽ có năm nghị quyết được thông qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm