Quốc lộ 1: Cấm xe tải, có giải được kẹt?

UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Cục Quản lý đường bộ IV về việc cấm các loại xe tải trên năm tấn lưu thông (tạm gọi là xe tải nặng) trên tuyến quốc lộ 1, đoạn từ nút giao thông Bình Thuận đến ranh tỉnh Long An vào cao điểm sáng (từ 6 giờ đến 8 giờ 30) và chiều (từ 16 giờ đến 18 giờ 30).

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Cục IV), cho biết dự kiến việc cấm xe sẽ bắt đầu từ ngày 10-12.

Tắc đoạn này, cấm đoạn kia

Theo Cục IV, đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn TP.HCM từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt (nút giao Tân Kiên) đến nút giao Bình Thuận (nút giao cầu vượt quốc lộ 1 với đại lộ Nguyễn Văn Linh) dài khoảng 2,8 km thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng nên cần có phương án giải quyết cấp bách. Cạnh đó, trên đoạn ngắn còn có ba “điểm nghẽn” khác, tại điểm giao cắt giữa quốc lộ 1 với đường Dương Đình Cúc, cầu Bình Điền và ngã tư đèn đỏ Nguyễn Hữu Trí cũng cần được giải quyết đồng bộ.

Ban đầu, Cục IV dự kiến đề xuất cấm xe tải nặng trong giờ cao điểm sáng, chiều trên một đoạn dài hơn 13 km, từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An. Tuy vậy, theo Quyết định 66/2011 của UBND TP, đoạn ùn tắc nghiêm trọng dài 2,8 km nêu trên thuộc tuyến vành đai số 2, không giới hạn thời gian lưu thông của xe tải nặng. Cho nên nếu cấm cả đoạn dài thì bị sẽ “chỏi” với quy định của TP. Theo quy trình, muốn chỉnh sửa quyết định trên thì phải đánh giá toàn diện, xây dựng phương án trình HĐND TP thông qua trước khi UBND TP ra quyết định. “Thực hiện các bước theo quy trình này phải mất từ 10 tháng đến cả năm, sẽ không đáp ứng được yêu cầu giải quyết ùn tắc tại đoạn dài khoảng 2,8 km đã nêu” - ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục IV, nói.

Sau cùng, Cục IV chọn phương án cấm xe từ sau nút giao Bình Thuận đến ranh tỉnh Long An.

Hướng điều tiết theo đường DT835 đi quốc lộ 50 đến Nguyễn Văn Linh.Đồ họa: LH

Đoạn quốc lộ 1 qua Bình Chánh hẹp thường xảy ra ùn ứ. Ảnh: LƯU ĐỨC

Đẩy dòng xe sang nơi khác

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP) và số liệu tổng hợp từ Ban An toàn giao thông TP thì đoạn đề xuất trên lại không phải đoạn kẹt xe và có điểm đen về tai nạn giao thông từ năm 2014 đến nay.

Như vậy đề xuất trên của Cục IV là hơi nghịch lý vì “kẹt chỗ này, cấm xe chỗ khác”?

Cục IV thì cho rằng việc cấm xe tải nặng ở đoạn liền kề (từ nút Bình Thuận đến ranh Long An) nhằm phân luồng, đẩy các dòng xe ra xa, không cho dồn đi vào đoạn, điểm kẹt 2,8 km. Thực tế, đoạn cấm được thực hiện ở cả TP.HCM (dài 5,7 km), Long An (2,8 km) và Tiền Giang (2,4 km).

Theo các doanh nghiệp có trụ sở, kho bãi nằm dọc theo quốc lộ 1 thì việc cấm này gần như đã bao trùm, “khóa chân” xe tải nặng của khoảng 40 km quốc lộ 1 qua ba địa phương trên. Tài xế Nguyễn Bình Long, chuyên lái xe container, đầu kéo cho các kho, bãi ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết khi lệnh cấm có hiệu lực sẽ gây lúng túng cho nhiều lái xe. Bởi lẽ dọc đường Nguyễn Văn Linh và đường dẫn cao tốc cũng không có các bãi dừng, đậu xe tạm chờ hết giờ cấm để sau đó đi vào khu vực cấm giao, nhận hàng.

Anh Trần Hùng Minh, tài xế của HTX số 9, cho biết một số tuyến đường khác thay thế khi cấm xe ở đoạn quốc lộ 1 như trên rộng chưa tới hai làn xe cho cả hai chiều nên các loại xe container, đầu kéo rất khó vào. Ông Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-07V, cho rằng nếu cấm xe qua Bình Chánh thì sẽ đẩy kẹt xe kéo dài trên quốc lộ 1, đặc biệt là ở các “điểm đen”: Ngã tư An Sương, Gò Mây, ngã ba Tân Kỳ - Tân Quý… Tương tự, một CSGT ở Tân Túc nhận định cấm xe tải nặng qua huyện Bình Chánh sẽ buộc xe dừng chờ ở đoạn 2,8 km giữa nút giao Tân Kiên - Bình Thuận. “Khi đó, khu vực sẽ thành bãi đậu xe trên quốc lộ với cứng ngắc các loại xe tải nặng đi về Long An, Tiền Giang” - vị CSGT này nói.

Chưa đánh giá hết tác động

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục IV và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu phương án cấm xe tải nặng ở các đoạn trên từ cách đây gần nửa năm. “Lệnh cấm dự kiến được thực hiện từ ngày 10-12 vì tình hình kẹt xe trên quốc lộ 1 qua ba địa phương đã cấp bách lắm rồi” - ông Thành nói.

Tuy vậy, trong thời gian đầu thì CSGT, thanh tra giao thông sẽ chưa xử phạt đối với các lái xe vào đoạn cấm giờ cao điểm hoặc dừng, đậu xe ở nơi có bảng cấm dừng, đậu. “Chúng tôi sẽ tuyên truyền, phổ biến cho lái xe biết lệnh cấm trong một thời gian rồi mới xử phạt” - ông Thành nói.

Ông Thành nhìn nhận do phải áp dụng giải pháp cấp bách cấm xe như đã nêu nên chưa thể đánh giá hết tác động xã hội cũng như nghe hết ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp vận tải, chủ kho bãi, công ty nằm dọc tuyến quốc lộ. Do đó, trong ba tháng đầu thực hiện lệnh cấm, Cục IV sẽ theo dõi, lắng nghe, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phân luồng cho phù hợp hơn. Ông Thành cho biết: “Riêng với các doanh nghiệp dọc tuyến có xe vận chuyển hàng tươi sống, nông ngư sản chế biến đông lạnh… có đề nghị lưu thông trong giờ cấm thì Cục IV có thể cấp phép lưu hành đặc biệt”.

Không phải dồn xe vào cao tốc

Tháng 6-2015, các cơ quan chức năng đếm được trung bình một ngày đêm có 1.600 xe tải và 600 xe container lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Trong khi đó, trên quốc lộ 1 đoạn qua TP.HCM, tỉnh Long An và Tiền Giang (không đi trên cao tốc) có đến 2.300 xe tải và 1.600 xe container.

Vậy lệnh cấm xe tải nặng qua Bình Chánh phải chăng là nhằm dồn xe vào cao tốc Trung Lương để thu phí? Ông Nguyễn Văn Thành khẳng định không có chuyện này vì dòng xe đi trên quốc lộ 1 đã có định hướng đi về các khu công nghiệp, kho bãi, công ty, nhà máy nằm rải rác dọc quốc lộ 1. Nếu phải đi vòng lên cao tốc sẽ vừa tốn phí, đường xa mà thời gian lưu thông có thể bằng thời gian nằm chờ. Do vậy khi có lệnh cấm đi qua huyện Bình Chánh thì lái xe, chủ xe, các hãng vận tải chọn giải pháp dừng, đậu xe lại sẽ kinh tế hơn.

Dự kiến công trình mở rộng quốc lộ 1 từ nút giao Tân Kiên đến Long An (dài khoảng 12 km) sẽ được khởi công vào quý II-2016. Công trình sẽ hoàn thành sau 27 tháng thi công. Theo đánh giá, khi đoạn tuyến này mở rộng xong thì lệnh cấm trên có thể được gỡ bỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm