Quốc lộ 1: Làm nhiều nên phải hư?!

Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, quốc lộ 1 mở rộng, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa là nơi có nhiều điểm hư hỏng nhất ở khu vực Nam Trung Bộ chỉ sau hơn một tháng thông xe. Trong đó, mặt đường bê tông nhựa vừa thảm đã bị bong tróc, sụt lún, lồi lõm, tạo nhiều ổ voi, ổ gà. Ông Nguyễn Chung Khánh, Tổng Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án 7, Bộ GTVT, đại diện cơ quan nhà nước tại các dự án mở rộng quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận các đoạn hư hỏng này là do thử nghiệm để chọn cấp phối thảm nhựa.

Thử nghiệm ở quốc lộ 1 là không ổn

Theo ông Khánh, do đá rải đường ở Khánh Hòa có độ bám dính kém nên BQL dự án 7 phối hợp Trường ĐH GTVT thí nghiệm rồi đưa ra thử nghiệm tại năm gói thầu trên quốc lộ 1 đoạn phía bắc tỉnh Khánh Hòa. “Những điểm hư hỏng rơi vào các đoạn thử nghiệm. Có những đoạn đã thảm nhựa tám tháng rồi nhưng nhà thầu thấy không ổn nên chủ động bóc ra để thảm lại” - ông Nguyễn Thành Lũy, Phó ban Điều hành dự án mở rộng quốc lộ qua Khánh Hòa (thuộc BQL dự án 7), giải thích thêm.

Nhưng thực tế nhiều nơi vừa thảm nhựa cũng bị hư hỏng. Ngoài ra, có những đoạn làm đại trà sau thử nghiệm nhưng mặt đường mới vẫn bị hư. “Tất cả cái đó mới đưa vào nên không thể tối ưu liền mà cần có thời gian để theo dõi việc thử nghiệm” - ông Khánh thanh minh.

Trả lời thắc mắc, trước khi cho thử nghiệm đã có cơ quan chuyên môn nào kiểm định, chứng nhận, ông Khánh nói: “Sau khi thử nghiệm, chúng tôi đã chọn ra một số mẫu phù hợp. Việc hư hỏng là khó tránh khỏi. Sản phẩm công nghiệp cũng có một tỉ lệ hư hỏng. Ô tô bán ra cũng bị thu về”. Rồi ông Khánh hỏi ngược lại: “Ở đây làm hàng trăm kilomet, hàng triệu mét vuông đường, ông có kiểm soát hết được không?” (!).

Một kỹ sư xây dựng, nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên đánh giá việc cho thử nghiệm vật liệu mới trên một dự án lớn của quốc gia như mở rộng quốc lộ 1 là không ổn. “Các nhà thầu được khuyến khích dùng vật liệu với chi phí không tăng, song tôi cho rằng cần phải thận trọng. Nó phải được thử nghiệm ở một số dự án nhỏ, có thời gian kiểm định, đánh giá rồi mới sử dụng đại trà. Việc này cũng nhằm ngăn ngừa việc nhà thầu sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng” - vị này nói.


Quốc lộ 1, đoạn ở ngã ba Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa) phải đào lên làm lại. Ảnh: TẤN LỘC

“Không hư mới lạ”

Theo vị kỹ sư trên, ở những nơi có thử nghiệm nhưng chưa xuất hiện hư hỏng thì ai sẽ đảm bảo chất lượng lâu dài? Ông Nguyễn Thành Lũy cho biết các đơn vị thi công đã đào lên ở những đoạn thử nghiệm có xảy ra hư hỏng để sửa chữa. Còn lại những đoạn thử nghiệm khác thì chưa thể xác định có tiếp tục bị hư hay không.

Theo TS Phạm Sanh (chuyên gia cầu đường), một tuyến đường quan trọng chỉ vừa đưa vào sử dụng mà xảy ra hư hỏng như vậy là nghiêm trọng. “Lý giải của ban điều hành, BQL dự án cho thấy họ đã nhìn nhận chất lượng của công trình không đảm bảo. Điều này không khó để nhận thấy ngay từ ban đầu” - TS Sanh nói.

Ông Sanh cho rằng dự án mở rộng quốc lộ 1 được làm đại trà, có tổng vốn đầu tư lớn nên Bộ GTVT phải “xé” thành các dự án nhỏ và thực hiện theo hình thức BOT. Các công trình này được thực hiện đồng loạt theo kiểu thủ công và việc kiểm soát chất lượng không được đảm bảo. Ông Sanh nhận xét: “Đường quốc lộ nhưng được thi công, thực hiện như đường giao thông nông thôn thì không hư hỏng mới lạ. Tuyến đường như tấm áo. Nó đã xấu rồi, chưa gì đã hư hỏng, vá víu nhiều chỗ thì khả năng hư hỏng tiếp theo trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi”.

Theo ông Sanh, ở các dự án đều có đại diện chủ đầu tư, rồi tư vấn giám sát nhưng các sơ hở về chất lượng đã không được kiểm soát. Sau đó việc nghiệm thu, quyết toán vẫn “lọt” để rồi dẫn đến các hư hỏng. Do vậy Bộ GTVT cần đánh giá toàn diện nguyên nhân và xác định, xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân để xảy ra hằn lún, hư hỏng.

TẤN LỘC

Hôm nay Bộ GTVT kiểm tra

Ông Dương Viết Doãn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, cho biết hôm nay (20-11), lãnh đạo Bộ GTVT đi kiểm tra để đánh giá cụ thể. Hiện nay Cục mới nhận được các báo cáo bằng văn bản nên phải đi thực tế mới có kết luận cuối cùng.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM hôm 19-11, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết thêm: “Bộ GTVT đã nắm được thông tin tình trạng hư hỏng quốc lộ 1, đoạn qua các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do đợt mưa lớn vừa qua đã làm ảnh hưởng đến mặt đường, sạt lở một số vị trí. Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị phải khắc phục dứt điểm toàn bộ hư hỏng trước ngày 20-11 để tiến hành bàn giao cho các địa phương”.

VIẾT LONG

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu xử lý hư hỏng trên các tuyến quốc lộ để đảm bảo ATGT dịp cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Các Cục QLĐB và Sở GTVT thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý, bảo trì ở các dự án BOT đã đưa vào khai thác. Nếu vi phạm thì kiến nghị dừng thu phí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm