Quý I-2017 tăng trưởng 5,15% chứ không phải 5,1%

Sáng nay (29-6), Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm 2017.

Phần tăng trưởng kinh tế trong phần mở đầu của báo cáo ghi rằng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%, quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng, người đọc báo cáo sau khi đọc đoạn này đã dừng lại giải thích. Theo ông Lâm, trong cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế-xã hội quý I-2017, GDP tăng 5,1%.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho hay sau khi rà soát lại thì tăng trưởng GDP quý I-2017 tăng 5,15%. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Tuy nhiên, sau đó đã rà soát kỹ lại và GDP quý I-2017 tăng 5,15% chứ không phải 5,1% như đã công bố” - ông Lâm giải thích.

Ông Lâm cũng như báo cáo của Tổng cục Thống kê đều cho rằng kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, đặc biệt là quý II-2017 có nhiều khởi sắc. Báo cáo của Tổng cục Thống kê, như thường lệ, đề cập đến tất cả lĩnh vực của kinh tế-xã hội như nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, khai khoáng, xuất nhập khẩu.

Lĩnh vực viễn thông, với vấn đề các thuê bao di động đang được chú ý vì quy định phải bổ sung hoặc chụp ảnh chân dung, vẫn đang có sự tăng trưởng tốt. Tổng cục Thống kê cho biết doanh thu viễn thông sáu tháng đầu năm ước tính đạt 189.5 ngàn tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2016.

“Tính đến cuối tháng 6-2017, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 126,5 triệu thuê bao, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 119,4 triệu thuê bao, giảm 6,2% do các nhà mạng thực hiện thu hồi SIM rác theo quy định của Bộ TT&TT” - báo cáo của Tổng cục Thống kê cho hay.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng 5-2017, trong đó 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có CPI giảm như nhóm giao thông (do điều chỉnh giảm giá xăng dầu tại thời điểm 20-6-2017), hàng ăn và dịch vụ ăn uống, bưu chính viễn thông...

Tuy thế, xét bình quân sáu tháng đầu năm 2017 thì CPI tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân CPI tăng, theo Tổng cục Thống kê là do giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành trực thuộc trung ương điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính; Thông tư số 02/2017 của Bộ Y tế.

Đồng thời, một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015 của Chính phủ cũng làm CPI tăng lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm