Quy mô nền kinh tế tăng 1,3 lần, tỉ lệ nợ công giảm

“Quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, phục vụ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi báo cáo trước Quốc hội (QH) về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và kế hoạch năm 2019, sáng 22-10.

Nợ công giảm mạnh

Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Tăng trưởng GDP chín tháng đạt 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu QH đề ra là 6,7%.

Đáng chú ý, tỉ lệ nợ công nước ta hiện khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016.

Cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Chính phủ đã thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh.

Trên cơ sở kết quả chín tháng, Thủ tướng thông tin ước cả năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có tám chỉ tiêu vượt. Quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho hay dự báo sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch năm năm 2016-2020 đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và  kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Ảnh: TTXVN

Xử lý nghiêm sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp       

Báo cáo trước QH, Thủ tướng cho biết trong năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành hàng loạt kết luận thanh tra nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước.

 “Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp. Tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm như vụ đánh bạc trên Internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ Vũ “nhôm”, Út “trọc”” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể, một số quy định pháp luật còn bất cập, thiếu khả thi, chồng chéo, chậm được sửa đổi; kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm. Việc phối hợp công tác giữa một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

“Công tác cán bộ còn những yếu kém, phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm” - Thủ tướng lưu ý và cho rằng hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trong một số lĩnh vực chưa cao.

Cạnh đó, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Dư luận về tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn còn ở nhiều cơ quan, đơn vị. Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, làm giảm sút niềm tin của nhân dân...

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có cả khách quan và chủ quan nhưng theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

“Thời gian còn lại của năm 2018, chúng ta không được chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra” - Thủ tướng nói và nhấn mạnh tám nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2019. Trong đó Thủ tướng cho hay sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Đáng chú ý là giải pháp về cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

“Chính phủ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình” - Thủ tướng khẳng định và cho biết cùng với đó là siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ. Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số với các giải pháp, bước đi phù hợp, chắc chắn.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm vi phạm. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng, triệt để thu hồi tài sản bị thất thoát.

Cử tri kiến nghị tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất

Cũng trong sáng 22-10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại Kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV.

Theo ông Mẫn, cử tri và nhân dân tiếp tục phản ánh việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch; giá bồi thường chưa phù hợp; còn một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết... Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu kiện bức xúc, kéo dài.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ và chính quyền các địa phương thực hiện tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và tăng cường đối thoại giữa chính quyền với người dân trong việc xử lý các tranh chấp đất đai” - Chủ tịch MTTQ nói.

Cùng đó cử tri và nhân dân rất quan tâm và hoan nghênh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Cử tri đề nghị thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí người thực sự có đức, có tài vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ba năm liên tiếp được kiểm soát dưới 4%. Bội chi ngân sách nhà nước ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra là 3,7%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm