Rút kinh nghiệm công tác bầu nhân sự

Ngày 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã họp cho ý kiến về nội dung đánh giá kết quả kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV. Báo cáo kết quả kỳ họp 11 đánh giá công tác bầu, phê chuẩn nhân sự tại kỳ họp đã thành công và đáp ứng được các yêu cầu. Nhưng tại cuộc họp này, nhiều ý kiến cho rằng về hình thức bầu có một số điều cần phải rút kinh nghiệm.

Đảm bảo quyền bỏ phiếu kín của ĐBQH

Cho ý kiến về kết quả kỳ họp 11, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị cần phải rút ngắn thời điểm bầu nhân sự đại hội Đảng và bầu QH sát nhau, tránh độ vênh quá xa. “Nếu không tháng 3 QH bầu rồi, tháng 7 lại bầu lại. Tháng 3 vừa tuyên thệ, tháng 7 lại tuyên thệ tiếp… ” - theo ông Chiến như thế là chưa hay lắm.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ ý kiến: “Vừa qua có tình trạng phiếu phát ra không có dấu, phải thu hồi lại khiến thời gian đợi chờ kiểm phiếu rất lâu, gây bức xúc cho nhiều đại biểu (ĐB) QH. Nhiều ĐBQH nói ở địa phương chưa bao giờ xảy ra chuyện này. Phát phiếu ra không có dấu là lỗi của chúng ta, đâu phải lỗi của ĐB. Điều này cần rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Cùng nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị phải đảm bảo quyền bỏ phiếu kín của ĐBQH. Bà Nga cho rằng nên có một phòng riêng để ĐB ghi phiếu, chứ không nên ngồi sát nhau tại hội trường ghi phiếu như hiện nay. Mặt khác, “thùng bỏ phiếu thì trong suốt, mà trưởng ban kiểm phiếu yêu cầu không gấp phiếu. Trong khi đó, truyền thông ghi hình, chụp ảnh nên rất dễ thấy”, bà Nga nêu ý kiến. Theo bà Nga, việc yêu cầu đại biểu không gấp phiếu là không đúng…

Kết luận về các vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cần rút kinh nghiệm trong kỳ họp tới để việc bầu nhân sự được chặt chẽ hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25-4. Ảnh: T.PHÚ

Lễ tuyên thệ cần trang nghiêm hơn

Một trong những điểm nhấn tại kỳ họp 11 là lần đầu tiên Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao đã tuyên thệ trước QH, đưa ra lời hứa với cử tri của cả nước. Một số ý kiến trong Ủy ban TVQH cho rằng từ kết quả bước đầu này cần rút kinh nghiệm tổ chức lễ tuyên thệ một cách trang nghiêm, thiêng liêng hơn.

Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho hay nhiều cử tri cũng như ĐB phản ánh việc tổ chức nghi lễ tuyên thệ vừa qua chưa chặt chẽ. “Khi đã tuyên thệ phải thể hiện sự nghiêm túc, đoàn chủ tịch và ĐB cũng phải đứng lên. Vừa qua, người tuyên thệ đứng, còn đoàn chủ tịch phía trên và ĐB phía dưới vẫn ngồi” - theo ông Tỵ vậy là chưa ổn.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của QH Nguyễn Thanh Hải cũng cho hay cử tri mong muốn phải có quy định rõ ràng, đồng bộ, thống nhất về các thủ tục, nghi thức trong việc tổ chức lễ tuyên thệ một cách thiêng liêng hơn. “Mong tổng thư ký QH quan tâm tới việc phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Cục Lễ tân Nhà nước (Bộ Ngoại giao) để chuẩn hóa kịch bản, đảm bảo nghi lễ thống nhất, có văn bản hướng dẫn cách thức đi lại, đứng, giơ tay như thế nào cho đảm bảo đúng giữa các đồng chí với nhau” - bà Hải nói.

Về nội dung này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Nội dung cơ bản đã có nên bây giờ xem lại cái gì hay, cái gì chưa hay để hoàn thiện. Thời gian tuyên thệ của chúng ta là ba phút nhưng các nước có khi nói chỉ 36 từ thôi” - Chủ tịch QH nói.

Bà Ngân cũng cho rằng việc người tuyên thệ đứng trang nghiêm, trong khi những người phía trên lại ngồi, ĐB phía dưới dùng điện thoại quay phim, chụp ảnh khiến người dân xem qua truyền hình trực tiếp thấy không nghiêm túc. Chủ tịch QH nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ nghiên cứu lại. Đề nghị tổng thư ký nắm thêm dư luận xã hội, bàn thêm với Bộ VHTT-DL để hoàn chỉnh lại nghi thức tuyên thệ quốc gia, sau này cứ thế mà làm”.

Kỳ họp I, Quốc hội khóa XIV: Sẽ dành 11 ngày làm công tác nhân sự

Chiều 25-4, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIV. Theo đó, dự kiến kỳ họp này sẽ diễn từ ngày 20-7 đến ngày 9-8.

Đáng chú ý tại kỳ họp này QH sẽ dành 11 ngày để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước: Bầu chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH và các ủy viên Ủy ban TVQH; chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của QH; tổng thư ký QH. Đồng thời bầu Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng Kiểm toán Nhà nước. Quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Ngoài ra, kỳ họp sẽ dành năm ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng như: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng cuối năm 2016; xem xét, thông qua các nghị quyết của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2017…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm