CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 12 HĐND TP.HCM KHÓA VIII

Sao không cho quảng cáo để bù trợ giá xe buýt?

“1.300 tỉ đồng tiền trợ giá cho xe buýt trên địa bàn TP.HCM cho năm 2013 là một số tiền rất lớn. Trong khi đó, tôi quan sát thấy có những tuyến xe buýt rất vắng khách, người đi xe buýt nhìn chung vẫn không nhiều, vậy hiệu quả việc trợ giá này như thế nào?” - đại biểu (ĐB) Tô Thị Bích Châu chất vấn Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang sáng 11-12.

Trợ giá để dân không phải móc thêm tiền túi

Khẳng định xe buýt vắng khách trên một số tuyến nhưng ông Cang giải thích rằng không phải lúc nào cũng vắng, mà có lúc vắng, có lúc đông do lượng khách thay đổi theo giờ, ví dụ giờ tan tầm, giờ đi làm. Riêng với trợ giá cho xe buýt, đây là việc không thể không làm. “Thời gian qua, giá nhân công, giá nhiên liệu đều tăng cao, nếu TP không trợ giá, nhà xe buộc phải tăng giá để bù chi phí thì thử hỏi có ai đi xe buýt nữa. Tiền trợ giá của TP ở đây chính là bù vào phần chênh lệch đó để người dân không phải móc thêm tiền túi” - ông Cang cũng cho biết nhiều nước khác trên thế giới cũng trợ giá cho xe buýt. Cụ thể ở Mỹ trợ giá 63%, Pháp 57%, Thụy Điển, Úc 60%, Canada 51% trong khi TP.HCM là 43%.

Sao không cho quảng cáo để bù trợ giá xe buýt? ảnh 1

ĐB Phạm Hiếu Nghĩa cho rằng tiền trợ giá xe buýt cứ tăng theo hằng năm. “Liệu có cách nào để giảm không?”. Ảnh: HTD

Theo ông Cang, hiệu quả của việc phát triển mạng lưới xe buýt tuy chưa được như mong muốn nhưng đã có tăng lên dần đều qua các năm. “Năm 2002, số người đi xe buýt ở TP chỉ có 32 triệu lượt người/năm nhưng đến năm 2013, con số này đã tăng lên 400 triệu lượt/năm, tăng 11 lần, tính ra mỗi ngày không dưới 1 triệu lượt người tham gia đi xe buýt. Hàng triệu lượt người đó nếu không đi xe buýt thì phải có 500.000 xe máy đi trên đường phố mỗi ngày. Thiệt hại tiền tỉ cho TP do tác hại từ khí thải xe máy, rồi kẹt xe, tắc đường…” - ông Cang dẫn chứng thêm.

Cũng về việc trợ giá, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa tỏ ra lo lắng khi cho rằng tiền trợ giá cứ tăng theo hằng năm. “Liệu có cách nào để giảm không?” - ĐB Nghĩa hỏi.

Trả lời, Giám đốc Sở Tài chính Đào Thị Hương Lan cho hay tình hình trợ giá xe buýt các năm 2011, 2012, 2013 lần lượt là 1.362 tỉ đồng, 1.414 tỉ đồng và 1.300 tỉ đồng. “Quan sát sẽ thấy chỉ có năm 2011 là tăng đột biến do Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu, ảnh hưởng tới chi phí nhân công, nhiên liệu. Còn các năm tiếp theo, con số có chiều hướng giảm xuống do số lượng hành khách đi xe tăng. Dự kiến năm 2014, con số này là 1.337 tỉ đồng, không tăng là bao so với năm 2013” - bà Lan nói.

Quảng cáo trên thân xe có sao đâu!

Theo bà Lan, một trong những cách để giảm số tiền trợ giá là phải xem lại các luồng tuyến, đồng thời quảng cáo tại các điểm dừng đỗ xe để có thêm thu nhập. Về vấn đề này, ĐB Tề Trí Dũng thắc mắc: “Quảng cáo trên xe buýt đã được TP bàn tới bàn lui nhiều lần nhưng sao đến giờ vẫn chưa tiến hành?”.

“Nếu tính lợi nhuận thì nguồn tiền thu được qua quảng cáo trên xe buýt sẽ chiếm chừng 10% tiền trợ giá. Thời gian này, TP đang chấn chỉnh hoạt động quảng cáo và theo đó thì đang không cho phép quảng cáo trên xe buýt” - ông Cang trả lời. Tuy nhiên, ông Cang cũng cho hay chủ tịch UBND TP đã giao Sở VH-TT&DL, Sở GTVT lập tổ liên ngành, hoàn thiện tờ trình về quảng cáo trên xe buýt để trình ủy ban quyết định.

Theo ĐB Lê Trương Hải Hiếu, quảng cáo trên xe buýt là việc cần thiết vì mỗi năm TP bỏ ra hơn ngàn tỉ đồng để trợ giá không phải là số tiền nhỏ. “Một số ý kiến cho rằng quảng cáo trên xe buýt sẽ không còn nhận diện được xe buýt. Làm gì tới mức như vậy! Người ta nhận diện chiếc xe mình đi là nhìn biển số, số tuyến trên mặt xe, rồi đuôi xe, mấy ai nhìn khắp cái thân xe bao giờ. Tôi cho rằng khai thác quảng cáo là việc làm hợp lý để giảm phần nào trợ giá từ ngân sách và dành nguồn này cho những hạng mục cần thiết khác” - ĐB Hiếu nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín cũng khẳng định việc quảng cáo trên xe buýt có nhiều cái lợi. Nhưng quan trọng nhất là làm thế nào, quảng cáo những gì để không ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, thuần phong mỹ tục mà thôi.

Lắp camera để giám sát tài xế, tiếp viên

Thời gian tới, Sở GTVT sẽ có phương án, giải pháp bố trí lại các tuyến đường chưa hợp lý, tránh trùng tuyến. Đồng thời, cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xe buýt như gắn thiết bị định vị, vừa có camera quan sát trên đường, trong xe (để chống tội phạm và giám sát lái xe, tiếp viên), nâng chất lượng phục vụ. Cạnh đó cũng sẽ tính luôn việc đầu tư phương tiện thanh toán hiện đại tự động chứ không thể cứ xé vé, rồi trả tiền mặt mãi như hiện nay để rồi dẫn tới tình trạng xé vé khống như từng xảy ra.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM TẤT THÀNH CANG

Giám đốc Sở GTVT nắm vấn đề rất chắc

Trong ba vị trả lời chất vấn thì phần trả lời của Giám đốc Sở GTVT Tất Thành Cang là đi vào trọng tâm và phân tích vấn đề rõ ràng nhất. Điều đó cho thấy ông Cang nắm tình hình thực tiễn và các kế hoạch, phương án, chương trình phát triển của ngành mình một cách chặt chẽ.

Phải nói rằng thời gian gần đây, mặc dù bộ mặt giao thông TP còn có những tồn đọng, khó khăn phải giải quyết nhưng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, trong lĩnh vực giao thông công cộng cũng thế. Tôi và các ĐB HĐND TP cũng kỳ vọng rằng bộ mặt giao thông công cộng của TP trong tương lai, khi những tuyến metro đi vào hoạt động và đề án đổi mới phương tiện xe buýt như ông Cang trình bày sẽ được cải thiện đáng kể hơn.

ĐB NGUYỄN HỒNG HÀ

MINH CƯỜNG ghi

Cả trăm chữ ký cho mỗi đề tài

Trong phần trả lời chất vấn của mình, Giám đốc Sở KH&CN TP Phan Minh Tân cho hay thủ tục xét duyệt cho lộ trình một đề tài đi qua là rất rườm rà và mất thời gian, hay làm nản lòng các nhà khoa học. “Tính ra giám đốc sở như tôi phải ký 100 chữ cho quy trình của mỗi đề tài” - ông Tân cho biết.

Về vấn đề này, ĐB Trần trọng Dũng nhìn nhận: “Qua trả lời của giám đốc Sở KH&CN, tôi cũng thấy rất lo cho tình trạng một đề tài mà có đến 100 chữ ký mới xong”. Theo ông Dũng, với một trung tâm KH&CN lớn của cả nước như TP.HCM mà như vậy là không ổn. “Cần phải cải cách ngay cơ chế, nhất là cơ chế đặt hàng đối với đề tài nghiên cứu KH&CN để sớm đưa nó vào cuộc sống và phát huy hiệu quả” - ông Dũng đề nghị.

MINH CƯỜNG

THU HƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm