Sắp báo cáo Thủ tướng về sự cố thủy điện Sông Bung 2

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIV về rà soát các dự án thủy điện theo Nghị quyết của Quốc hội.

Dự án thủy điện Sông Bung 2 do Genco 2 làm chủ đầu tư. Công trình thuộc hệ thống bậc thang sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc địa phận huyện Nam Giang và Tây Giang, Quảng Nam.

Theo Bộ Công Thương, đối với sự cố lũ cuốn trôi cửa van số 2 của hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 tại tỉnh Quảng Nam (Tổng Công ty Phát điện 2 - Genco 2 làm chủ đầu tư), Bộ xác định là sự cố công trình nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát điện của công trình. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình của chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đối với các dự án thủy điện.

Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện việc giám định nguyên nhân sự cố theo đúng quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đến nay, tư vấn kiểm định đã có báo cáo kết quả lần hai. Sau khi tổ điều tra sự cố và các bên liên quan xem xét và có ý kiến, tư vấn kiểm định đang khẩn trương hoàn thiện báo cáo kiểm định lần cuối để trình Bộ Công Thương theo yêu cầu. Sau đó Bộ sẽ tổng hợp kết quả giám định và dự kiến báo cáo Thủ tướng vào tháng 5-2017.

Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và chuẩn bị sẵn sàng phương án thi công trở lại sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đánh giá vẫn còn một số tồn tại trong việc vận hành hồ chứa thủy điện. Theo đó, công tác phối hợp giữa một số chủ đập với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) cấp tỉnh và các cơ quan liên quan ở địa phương chưa thật sự chặt chẽ, còn nhiều bất cập. Chưa quy định cụ thể phương thức liên lạc, cung cấp thông tin, báo cáo, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc phối hợp phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập.

Cụ thể như đơn vị vận hành hồ An Khê khi thông báo bằng văn bản và gọi điện thoại cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh Gia Lai, Công ty Thủy điện An Khê - Kanak chỉ gửi và gọi điện thoại cho Văn phòng thường trực PCTT và TKCN của tỉnh mà chưa thông báo cho Trưởng ban PCTT và TKCN tỉnh (Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) theo quy định của quy trình.

Hay như đơn vị vận hành hồ thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) cấp tiền cho các thôn, xã để mua kẻng nhưng không kiểm tra kết quả thực hiện; chưa có biên bản thống nhất với các xã, thôn về cách thức đánh kẻng báo hiệu xả lũ.

Theo Bộ Công Thương, năng lực của cán bộ vận hành công trình và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều hạn chế. Tại một số công trình, còn thiếu cán bộ vận hành có kinh nghiệm, được trang bị đầy đủ kiến thức vận hành. Cá biệt, một số cán bộ chuyên trách của cơ quan chịu trách nhiệm về phòng, chống lụt, bão tại địa phương không đủ năng lực, không nắm được thông tin về công trình.

Các sở Công Thương chưa có hoặc có ít cán bộ có chuyên môn cần thiết liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như: thủy lợi, thủy điện, xây dựng, giao thông,... Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy việc quản lý chất lượng công trình của các Sở Công Thương từ khâu thẩm định thiết kế đến việc tổ chức, thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu còn tồn tại một số vấn đề, chưa theo đúng quy định và chưa đáp ứng yêu cầu công việc.

Việc phối hợp giữa Sở Công Thương hoặc chủ đầu tư dự án thủy điện với các chuyên gia hoặc đơn vị tư vấn thẩm tra để thẩm tra, thẩm định thiết kế công trình cũng bị hạn chế, tồn tại bất cập. Lý do là vì Sở Công Thương và chủ đầu tư dự án chưa nắm bắt được đầy đủ, chính xác thông tin về năng lực và kinh nghiệm thực sự của chuyên gia, đơn vị tư vấn…

Xử phạt nhiều thủy điện vi phạm

Qua công tác kiểm tra, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở ngành địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các hồ chứa thủy điện vi phạm quy định quản lý tài nguyên nước, vận hành hồ chứa: Tà Lơi 3, Hố Hô, Đăk Đrinh, Hương Điền, Vĩnh Sơn 5 và Hủa Na.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp tục phối hợp với các tỉnh xem xét để loại khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện tại tỉnh Quảng Nam và Gia Lai; không xem xét bổ sung quy hoạch đối với 11 dự án thủy điện theo đề nghị của các tỉnh Đồng Nai, Hòa Bình và Lai Châu do không khả thi về kinh tế - kỹ thuật, có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và môi trường - xã hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm