Sắp xếp huyện, xã: Phải tính toán yếu tố đặc thù

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021. Liên quan đến vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH).

Chia ra dễ hơn nhập vào

. Phóng viên: Chính phủ đang yêu cầu xây dựng một đề án tổng thể về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã mà theo thông tin từ Bộ Nội vụ có thể liên quan đến hàng trăm huyện và trên 6.000 xã. Từng nhiều năm công tác ở QH, ông thấy vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH

+ Ông Nguyễn Văn Phúc: Tôi từng giúp việc cho các lãnh đạo từ hồi làm Hiến pháp 1992 rồi tham gia sâu hơn lần sửa đổi Hiến pháp này năm 2013. Qua đó có thể thấy lịch sử nhập, tách địa giới hành chính của ta sôi động từ sau năm 1975.

Thời điểm ấy, cộng cả các tỉnh theo phân chia của chế độ Việt Nam Cộng hòa thì cả nước có 72 tỉnh. Sau thống nhất, quan điểm kinh tế, quốc phòng của Tổng Bí thư Lê Duẩn khi đó thì tỉnh là đơn vị chiến lược, huyện là pháo đài nên nhập lại, còn 40 tỉnh. Huyện, xã cũng vậy, xu hướng là hợp nhất xã nhỏ thành lớn, tạo không gian kinh tế-xã hội thuận lợi cho bố trí lại sản xuất, dân cư…

Nhưng điều kiện giao thông liên lạc lúc đó khó khăn. Chẳng hạn tỉnh lớn như Bình Trị Thiên, công việc ở Quảng Bình phải vào trung tâm hành chính đặt tận Huế mới giải quyết được. Nhập lại rất cơ học, máy móc. Rồi địa bàn quá lớn, tâm lý xã hội khó hòa đồng, năng lực quản lý không đáp ứng được... Chẳng hạn, Nghệ An, Hà Tĩnh nhiều nét văn hóa chung là vậy, nhưng thời nhà Nguyễn gần 190 năm trước đã phải tách ra thành hai tỉnh riêng rẽ. Đến năm 1976 lại nhập thành Nghệ Tĩnh, không ổn lại phải tách… Vậy nên, đến năm 1986 thì ta lại có chủ trương điều chỉnh, tách các tỉnh lớn ra.

Lý do tách thì ngoài những yếu tố bất cập của việc nhập nêu trên còn có mong muốn phát triển các trung tâm kinh tế-xã hội. Vì nhập tỉnh lớn thì chỉ tỉnh lỵ nơi đặt trung tâm hành chính là được đầu tư phát triển. Như Nghệ Tĩnh, ngần đó năm tồn tại bao nguồn lực tập trung hết cho Vinh chứ thị xã Hà Tĩnh có phát triển được đâu.

Vậy nên nhập vào hay tách ra đều có lý do, có mặt hợp lý của nó. Như dân gian tóm lược: “Tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để bớt đầu mối đi”.

. Bây giờ thì sao? Theo ông, có những điều kiện thuận lợi nào để sắp xếp huyện, xã lúc này?

+ Theo tôi hiểu thì chủ trương hiện nay là giữ ổn định đầu mối cấp tỉnh và chỉ sắp xếp lại cấp chính quyền địa phương bên dưới.

Thuận lợi lúc này giao thông, liên lạc đã tốt hơn trước rất nhiều. Dân trí cũng cao hơn. Công nghệ quản lý mới gắn với Internet phát triển mạnh mẽ, khắc phục được khoảng cách chính quyền-người dân.

Ta cũng đang đứng trước áp lực rất lớn về tinh giản biên chế, phân bổ, sử dụng hiệu quả ngân sách… Vậy nên tính toán điều chỉnh để thu gọn đầu mối, ít nhất là cấp huyện, xã là cần thiết.

Nhưng cũng phải thấy rằng chia ra dễ hơn nhập vào. Chia ra thì có thêm ghế, thêm ngân sách. Còn nhập vào thì chắc chắn sẽ phải giải quyết bài toán cán bộ dôi dư. Chưa kể sắp xếp không khéo có khi còn gây mất đoàn kết, lục đục trong bộ máy sau sáp nhập.

Nhiều ý kiến cho rằng phải tính toán tiêu chí đặc thù khi sắp xếp huyện, xã ở các đô thị lớn. Ảnh: HTD

Nếu làm tốt dân sẽ được lợi

. Việc sắp xếp, thu gọn đầu mối, số lượng huyện, xã theo đúng các tiêu chí Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ QH sẽ ảnh hưởng rất rộng. Vậy theo ông, làm thế nào triển khai cho thông suốt?

+ Ta có một công thức rất hay: Làm từng bước thận trọng.

Theo tôi hiểu, Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ QH mới tập trung vào tiêu chí diện tích và dân số. Giờ triển khai, có lẽ phải tính toán làm rõ hơn các tiêu chí đặc thù. Chẳng hạn phải phân biệt xã, huyện miền núi với đồng bằng. Miền núi thì chắc chắn sẽ rộng hơn nhưng thưa dân hơn. Rồi phân biệt thành thị với nông thôn mà khác biệt là dân cư tập trung cao, giao thông thuận lợi, cự ly ngắn, ứng dụng chính phủ điện tử thuận lợi. Phân biệt xã ven đô với xã thuần nông ở nông thôn…

Khi triển khai nên chọn những nơi dễ nhất, thuận lợi nhất để làm trước, cũng để rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, những xã trước đây hình thành do tách ra thì giờ nhập lại dễ hơn những xã có lịch sử truyền thống cả trăm năm. Rồi do làm đường cao tốc hay dự án công nghiệp, thủy lợi, thủy điện lớn gây chia cắt mạnh về địa lý thì nhân đây có thể điều chỉnh địa giới hành chính cả thôn, xã, huyện cho phù hợp hơn, thuận lợi cho quản lý của chính quyền, sản xuất của người dân.

. Chia tách hay sáp nhập thì đều có thể gây đảo lộn cuộc sống của người dân. Nhiều giấy tờ cá nhân sẽ phải sửa đổi. Vậy nên cân nhắc được, mất thế nào?

+ Đổi mới, cải cách nào cũng có tính hai mặt được, mất. Nhưng vì lợi ích chung quốc gia thì khó cũng phải làm. Có điều là bước đi phải phù hợp.

Giảm đầu mối huyện, xã thì tinh giản được biên chế, tổ chức quyền lực nhà nước, ngân sách bớt manh mún, tiết kiệm được cho việc khác, đổi mới được phương thức quản lý. Nếu cách làm tốt thì về tổng thể, người dân sẽ được lợi.

Nhà nước nên bỏ tiền ra hỗ trợ cho người dân điều chỉnh, sửa đổi giấy tờ. Bất tiện này là do chính sách chứ đâu phải do dân. Cũng giống như Hà Tĩnh, vì lý do học sinh không đủ để duy trì trường mà phải nhập hai trường làm một thì tỉnh đã chấp nhận tổ chức ô tô đưa đón các cháu ở xa đi học.

Cũng nên lưu ý, gọn, giảm đầu mối đơn vị hành chính lãnh thổ chỉ là một phần của cải cách. Quan trọng là phải quyết tâm giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường để xã hội, thị trường tự quyết định những vấn đề của nó, chính quyền chỉ tham gia tối thiểu thôi. Như thế mới có thể tinh gọn bộ máy, để không gian cho xã hội, thị trường vận hành, phát triển lành mạnh được.

. Xin cám ơn ông.

“Vướng nhất là ở cán bộ”

Trước đây, tách, nhập địa giới hành chính thì chỉ cần các cấp chính quyền nghiên cứu, quyết định là xong. Nhưng theo Hiến pháp 2013 thì việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương. Vậy công việc này nên được triển khai thế nào?

+ Đây là một điểm mới, đáp ứng yêu cầu dân chủ hóa đời sống xã hội. Nhưng lấy ý kiến không phải là biểu quyết, không phải là để người dân quyết định sáp nhập hay không. Lấy ý kiến chủ yếu để tuyên truyền một chủ trương, một kế hoạch nào đó để người dân tham gia ý kiến thêm, tạo đồng thuận xã hội khi triển khai.

Tôi nghĩ việc nhập thì vướng nhất là cán bộ vì tâm lý lo ngại về lợi ích, công việc. Còn với người dân, nếu có tính toán kỹ lưỡng, giải pháp tốt, bước đi phù hợp thì sẽ thuyết phục được thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm