Sẽ khởi công sân bay Long Thành năm 2018

Sáng 25-6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành. Theo đó, mục tiêu xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển HKQT của khu vực. Cảng có công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Ổn định đời sống người dân chịu ảnh hưởng dự án

Theo nghị quyết, tổng đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng (khoảng 16,03 tỉ USD). Trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (khoảng 5,45 tỉ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Dự án áp dụng các công nghệ hiện đại trong việc xây dựng, quản lý và vận hành như các cảng HKQT tiên tiến trên thế giới, bảo đảm năng lực khai thác đồng bộ theo tiêu chí an toàn, thuận tiện, chất lượng và hiệu quả.Diện tích đất của dự án là 5.000 ha. Trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.

Nghị quyết nêu rõ Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư. Cùng với đó, Chính phủ chỉ đạo thực hiện dự án đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản. Đó là xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi; quản lý và sử dụng hiệu quả diện tích đất chưa sử dụng theo quy hoạch được duyệt của dự án; xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội; tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân vùng chịu ảnh hưởng của dự án.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: TTXVN

Không để nhóm lợi ích chi phối

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến dự án này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã yêu cầu phải tăng tính công khai, minh bạch, tính chịu trách nhiệm, phải có những giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong quá trình đầu tư, ngăn chặn không để nhóm lợi ích chi phối quá trình triển khai thực hiện dự án. Đồng thời, bảo đảm suất đầu tư, chất lượng, công nghệ tương đương với các cảng hàng không hiện đại khác trong khu vực, đảm bảo nguồn nhân lực vận hành, năng lực cạnh tranh và yêu cầu phải đạt hiệu quả kinh tế-xã hội.

Có nhiều đề nghị làm rõ hiệu quả kinh tế-xã hội và đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đối với vấn đề nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Về vấn đề này, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của dự án trên quan điểm nền kinh tế quốc gia, tổ chức tư vấn đã thực hiện đánh giá kinh tế dựa trên các chi phí và lợi ích kinh tế của dự án. Theo tính toán ở bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tính toán của Hội đồng thẩm định Nhà nước thì dự án đạt các chỉ số khả thi. Tuy nhiên, số liệu về hiệu quả kinh tế của dự án sẽ được xác định chính xác khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, việc đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm. Về tác động của dự án đối với nợ công, với các kịch bản được tính toán, mức độ tác động đến nợ công tối đa 0,28% GDP.

Ba giai đoạn đầu tư sân bay Long Thành

Theo nghị quyết, thời gian và lộ trình thực hiện dự án Cảng HKQT Long Thành gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng một đường cất-hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất-hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Phải mất 2-3 năm cho việc chuẩn bị

Từ giờ đến cuối năm Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT chuẩn bị để đấu thầu chọn nhà thầu xây dựng báo cáo khả thi đối với dự án. Đây là nhiệm vụ số một đặt ra sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành. Khi được Quốc hội nhất trí về báo cáo này thì mới đến bước tiếp theo là triển khai dự án. Như vậy nhanh nhất cũng phải mất 2-3 năm cho việc chuẩn bị dự án. Sớm nhất năm 2018 mới có thể triển khai thi công dự án này.

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng công khai, minh bạch để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình triển khai dự án Cảng HKQT Long Thành.

Việc thu hồi 5.000 ha đất để thực hiện dự án là vấn đề rất lớn được các đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước quan tâm, từ việc thu hồi giải phóng mặt bằng tới việc lo đời sống sau khi tái định cư của người dân ở vùng dự án. Chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh Đồng Nai để làm sao người dân có đời sống và việc làm tốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm