Sẽ sớm chuyển giao các chức danh nhà nước?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang lên chương trình cho kỳ họp QH cuối cùng của khóa XIII, dự kiến sẽ diễn ra từ nửa cuối tháng 3 tới đầu tháng 4 tới. Trong chương trình dự kiến này, đáng chú ý có ba ngày dành cho công tác nhân sự. Nội dung cụ thể là gì chưa được nêu rõ song cũng không loại trừ khả năng liên quan đến bàn giao công tác giữa những chức danh nhà nước thuộc diện QH bầu, phê chuẩn mà hiện không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cho những ứng viên mới đã trúng cử tại Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua.

Điều này cũng được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng gợi ý trong phiên họp UBTV hôm 23-2. Theo đó, mấy năm trước đã rút ngắn “khoảng trống” giữa Đại hội Đảng toàn quốc với bầu cử QH. Nay tính toán tiếp xem có thể điều chỉnh nhân sự ngay được không, thay vì đợi kỳ họp đầu tiên của QH khóa sau.

Các đại biểu QH bầu chức danh chủ tịch nước trong kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII năm 2011.Ảnh: TTXVN

Từ hơn một năm xuống còn sáu tháng

Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Một phương thức quan trọng để lãnh đạo là Đảng lựa chọn cán bộ để giới thiệu với Nhà nước bố trí, sắp xếp vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Qua đó, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng được đưa vào, cụ thể hóa vào hoạt động của Nhà nước.

Về mặt nhà nước, theo hiến định, sau bầu cử QH, kỳ họp đầu tiên, các đại biểu QH sẽ bầu, phê chuẩn các chức danh nhà nước.

Trước đây, một thời gian dài, bầu cử QH và kỳ họp đầu tiên của QH diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc hơn một năm. Điều này có thể gây khó cho cả công tác lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước khi khoảng thời gian chuyển tiếp quyền lực khá dài.

Nhận thấy điều này, cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương ở cuối nhiệm kỳ công tác của mình (năm 2006) đã đề nghị thu hẹp thời gian chuyển tiếp quyền lực. Điều này đã được Trung ương khóa XI và QH khóa XII thống nhất theo cách rút ngắn nhiệm kỳ QH. Nhờ đó thời gian chuyển tiếp giữa Đại hội Đảng toàn quốc với bầu cử QH và kỳ họp đầu tiên của QH để bầu ra bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới còn sáu tháng. Cụ thể, Đại hội Đảng lần thứ XI bế mạc ngày 19-1-2011 và QH khóa XII họp phiên đầu tiên ngày 21-7 cùng năm.

Cần rút ngắn hơn thời gian chuyển giao

Nhưng sáu tháng chuyển giao quyền lực vẫn là quá dài so với thế giới. Thời gian thường gặp ở các nước là chừng trên dưới hai tháng.

Ở ta, khắc phục khoảng trống này, Hiến pháp trao quyền QH bầu, miễn nhiệm các chức danh nhà nước tại bất cứ kỳ họp nào chứ không nhất nhất phải đợi kỳ họp đầu tiên để bầu, phê chuẩn cả loạt. Cơ chế này đã được vận hành ở nhiệm kỳ QH khóa X. Khi đó, Đại hội Đảng lần thứ IX và Ban Chấp hành Trung ương mới, cuối tháng 4-2001 đã bầu Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư. Chuyển giao quyền lực được thực hiện ngay sau đó, tại kỳ họp thứ 9 QH khóa X, cuối tháng 6-2001, QH đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch cho ông Nông Đức Mạnh và bầu ông Nguyễn Văn An, vừa tái cử vào Bộ Chính trị khóa IX làm người kế nhiệm, điều hành QH.

Tương tự như vậy, sau Đại hội X có hai tháng, QH khóa XI tại kỳ họp thứ 9, cuối tháng 6-2006 cũng bầu một lúc cả ba chức danh: Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay cho các vị tiền nhiệm không tái cử vào Trung ương khóa X. Một năm sau, cả ba vị này cùng các chức danh nhà nước quan trọng khác tiếp tục được QH khóa XII tại kỳ họp đầu tiên bầu lại lần nữa cho nhiệm kỳ mới của các cơ quan nhà nước.

Có thể nói hiếm có kỳ đại hội nào mà cả ba chức danh chủ chốt của Nhà nước gồm chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch QH cùng lúc không tái cử vào Trung ương khóa mới. Chưa kể 14/28 thành viên Chính phủ và nhiều ủy viên UBTVQH cũng không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa mới.

Vậy nên ngay khi quyết định không tái cử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp với nhóm chuyên gia tư vấn và nhận được lời khuyên là sớm kiến nghị Trung ương cho bàn giao sớm ở những chức danh nhà nước. Điều này cũng được người phát ngôn-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên xác nhận tại buổi họp báo thường kỳ cuối tháng 1 rằng không nhất thiết phải đợi điều chỉnh nhân sự cả loạt.

Đây cũng là đòi hỏi của thực tiễn, bởi sau Đại hội XII, Bộ Chính trị đã phân công một loạt chức danh: Ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Trung ương Đảng vào vị trí chánh văn phòng Trung ương Đảng; bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH làm trưởng ban Dân vận Trung ương; hai ủy viên Bộ Chính trị là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng về làm bí thư TP Hà Nội, TP.HCM... Tất cả chức danh trong Đảng ấy đều quan trọng và rõ ràng việc kiêm nhiệm chức danh nhà nước không thể kéo dài quá lâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm