Sở Nội vụ Hà Nội bác đề xuất tuyển công chức của Sở QH-KT

Sáng 7-12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã có cuộc làm việc với Sở QH-KT TP Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở QH-KT TP Hà Nội vào sáng 7-12.

Tại cuộc làm việc, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH-KT, cho hay văn phòng Sở hiện có 93 người, trong đó 78 người là công chức, 15 người là lao động hợp đồng. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở 87 người, gồm 22 người tại ban quản lý dự án và 65 người tại trung tâm.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, Sở QH-KT đã trưng tập, biệt phái tám viên chức, 16 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn từ các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về khối văn phòng Sở hỗ trợ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

“Năm 2017, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, Sở QH-KT đã chấm dứt 20 nhân viên hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, tâm tư đảng viên, nhân viên đã ký hợp đồng lao động trước đây, đặc biệt là những người có thời gian công tác lâu năm ở Sở” - ông Vinh nói và đề nghị cho phép Sở QH-KT được tiếp nhận không qua thi tuyển các một số lao động có hợp đồng làm việc trên năm năm. Tiêu chí tuyển chọn là những lao động có năng lực, tâm huyết, đáp ứng nhu cầu công việc còn thiếu.

Tuy nhiên, đề xuất trên của ông Vinh đã không được Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng đồng tình.

Ông Sáng băn khoăn vì từ năm 2011 đến nay, trải qua ba đời giám đốc Sở, Sở QH-KT vẫn liên tục đề xuất việc bổ sung tiếp nhận không qua thi tuyển các trường hợp lao động hợp đồng năm năm kinh nghiệm trở lên.

“Việc tuyển công chức phải theo quy định và làm công khai. Bởi nếu tuyển những người có năm năm kinh nghiệm như đề xuất, ngay cả Sở Nội vụ cũng chưa dám làm vì rất phức tạp, dễ dẫn đến sai phạm, dễ bị kiện tụng” - ông Sáng nói.

Ông Sáng đề nghị Sở QH-KT bổ sung số công chức còn thiếu theo hai cách: Một là thi tuyển công khai; hai là luân chuyển cán bộ từ Viện Quy hoạch Xây dựng lên và đưa những trường hợp lao động hợp đồng xuống viện để đào tạo.

“Những nhân viên làm ở Viện Quy hoạch có rất nhiều kinh nghiệm, rất nhiều kiến thức. Nếu những trường hợp này chuyển lên Sở QH-KT thì chỉ cần làm thủ tục là trở thành công chức. Còn nhân viên hợp đồng ở đây (ở Sở QH-KT - PV) luân chuyển xuống viện để đào tạo thì Sở không chịu làm, đến nay vẫn còn 20 người. Tôi không hiểu tại sao số này lại gắn bó ở đây mãi để làm gì, hay có cái gì không?” - ông Sáng nói.

Cùng nội dung, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, người từng kinh qua chức vụ giám đốc Sở QH-KT TP Hà Nội hai năm, cho hay thời kỳ ông làm giám đốc Sở QH-KT thì sở này cũng thiếu khoảng 24 công chức. Sau đó Sở lựa chọn kỹ mới được 10 người, đưa sang Sở Nội vụ thì có tới năm người bị loại.

“Lĩnh vực QH-KT là lĩnh vực chuyên ngành, có tính đặc thù riêng nên việc tuyển người không dễ chút nào” - ông Hùng nói và cho biết cả hai phương án tuyển người mà Sở Nội vụ đề nghị đều có những cái khó vì “những người làm chuyên môn giỏi nhưng công tác quản lý lại hạn chế, nên khi tuyển chưa chắc đã được”, mặt khác “Sở QH-KT mà đi tuyển người ở các trường đại học thì họ cũng không muốn về”…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, lưu ý Sở QH-KT tuyển dụng công chức theo hai phương án mà ông Trần Huy Sáng nêu ra đều được. Theo đó, cách thứ nhất là luân chuyển những người phù hợp và cách thứ hai là thi tuyển.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nhấn mạnh việc tuyển dụng công chức cho Sở QH-KT phải tuân thủ nguyên tắc đáp ứng chuyên môn. “Đừng chỉ có xem chuyên môn theo bằng cấp trên giấy, mà phải kiểm tra trực tiếp. Để tránh khi tuyển xong, có khi điểm rất cao nhưng không làm được việc. Bởi năng lực học và năng lực làm việc là hai vấn đề khác nhau” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh Hà Nội đang trong bối cảnh đô thị hóa nhanh. Vì vậy vai trò, trách nhiệm của những người làm công tác QH-KT rất lớn, góp phần xây dựng TP đồng bộ, đẹp mắt, có tầm nhìn. Nhiệm vụ trước mắt là xây dựng quy hoạch các đô thị vệ tinh; xây dựng quy chuẩn kiến trúc nông thôn; tham mưu về kiến trúc các trường học ở nội đô nơi quỹ đất không còn trong lúc số lượng học sinh ngày một tăng; QH-KT phục vụ cải tạo các khu chung cư cũ...

Đặc biệt, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung rà soát, đánh giá toàn bộ các dự án đầu tư xây dựng, chỉ rõ nguyên nhân những dự án chậm tiến độ, theo đó Sở QH-KT phải chủ động tham gia, đề xuất giải pháp khắc phục, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân…

Theo Sở QH-KT TP Hà Nội, sau khi quy hoạch chung thủ đô được phê duyệt (tháng 7-2011), đến nay Hà Nội đã phê duyệt 57/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Tỉ lệ phủ kín quy hoạch được duyệt theo số lượng đồ án là 83%, theo diện tích là 86%.

Về cơ bản các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc trên địa bàn TP được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã đáp ứng yêu cầu phục vụ đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trên địa bàn, hiện không có dự án nào phải dừng chờ quy hoạch. Tuy nhiên, số lượng, tỉ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết còn thấp, từ năm 2011 đến nay, TP mới phê duyệt khoảng 160 đồ án với tổng diện tích trên 12.000 ha; các quy chế quản lý QH-KT các quận, thị trấn còn chưa được phê duyệt; việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch cũ (từ năm 1987) đến nay không còn phù hợp… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm