Sởi ở TP.HCM: Vượt tuyến, hai trẻ nằm chung giường

Vừa quạt cho đứa con 10 tháng tuổi mắc bệnh sởi, anh Hưng (quận 9, TP.HCM) nói: “Lên đây mới thấy bệnh nhi quá đông. Nghe nói nhiều cháu mắc sởi do đề kháng yếu nên dễ nhiễm thêm bệnh khác khiến tôi đâm lo. Con tôi chỉ bị sởi nhẹ, biết vậy đưa cháu vô bệnh viện quận cho yên tâm”.

Vượt tuyến, bệnh viện lớn quá tải

Báo cáo của BV Nhi đồng 1 cho thấy từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh nhi mắc sởi nhập viện tăng dần theo từng tháng và nhiều trường hợp biến chứng viêm phổi. Tháng 1 gần 180 bệnh nhi, tháng 2 tăng lên 240. Đến tháng 3 là gần 350. Ngày 17-4, số bệnh nhi đã gần 240. Gần 120 ca bị biến chứng, chủ yếu là viêm phổi. Có hai bệnh nhi nặng phải thở máy. “Điều đáng nói là nhiều trường hợp trẻ chỉ mắc sởi nhẹ, thông thường bệnh viện quận/huyện cũng có thể điều trị theo phác đồ có sẵn. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lo sợ, xin được điều trị nội trú khiến bệnh viện quá tải, lại có nguy cơ nhiễm bệnh chéo” - BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, nói.

Ở BV Nhi đồng 2, Giám đốc-BS Hà Mạnh Tuấn, cho biết bệnh nhi điều trị nội trú từ đầu năm 2014 đến nay cũng tăng đều. “Đáng chú ý có nhiều trẻ mắc các bệnh khác, trong thời gian điều trị bị lây nhiễm thêm sởi” - BS Tuấn nói.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường (bìa trái) thăm hỏi các trẻ bệnh sởi đang điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: TR.NGỌC

Theo BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cả năm 2013 chỉ có một ca bệnh sởi điều trị nội trú. Tuy nhiên, từ đầu năm 2014 đến ngày 18-4 bệnh viện điều trị nội trú cho hơn 840 lượt bệnh nhân. Trong đó gần 260 lượt bệnh nhân trên 15 tuổi, kể cả phụ nữ có thai và người già. “Điều đáng nói 1/2 bệnh nhân sởi có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới. Do tập trung lên BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM nên gây tình trạng quá tải, nhiễm bệnh chéo” - BS Châu cho biết.

Tăng cường điểm tiêm vét vaccine

“Chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc chiến dịch tiêm vét vaccine sởi nhưng số trẻ chưa tiêm còn khá nhiều. Do vậy, TP.HCM đề xuất Bộ Y tế cho phép mở thêm điểm tiêm vét vaccine tại các trạm y tế phường/xã” - BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đề xuất.

Thứ trưởng Lê Quang Cường tại buổi làm việc với các bệnh viện và Sở Y tế TP.HCM trong công tác phòng, chống dịch sởi tại TP.HCM vào ngày 19-4 đã chấp nhận đề xuất trên. “Tuy nhiên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, Bộ Y tế đã ban hành bổ sung phác đồ điều trị sởi cho những trường hợp nặng. Do vậy, ba bệnh viện chuyên khoa nhanh chóng tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới, kể cả bệnh viện tuyến tỉnh để thực hiện nhằm hạn chế thực trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

TRẦN NGỌC

 

Bệnh viện tuyến quận/huyện khẳng định điều trị tốt bệnh sởi

Chiều 19-4, BS Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV quận Bình Tân, cho biết bệnh viện có 150 giường bệnh nhi. Trong sáu năm qua bệnh viện đã điều trị sởi rất tốt. “Chúng tôi vẫn điều trị sởi bình thường vì đây là bệnh thông thường. Bệnh viện chỉ chuyển bệnh lên tuyến trên khi trẻ vào viện trễ, biến chứng quá nặng quá” - BS Mười khẳng định. Còn ThS-BS Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc BV quận 8, cũng phát biểu tương tự. Hiện bệnh viện có ba bác sĩ chuyên khoa I về nhi, một bác sĩ chuyên về nhiễm, có 30 giường bệnh dành cho nhiễm. “Bệnh viện đã trang bị hai máy thở, có hai bác sĩ phụ trách khoa nhiễm. Vấn đề quan trọng của bệnh sởi chủ yếu là cách ly, tránh lây nhiễm và phòng ngừa biến chứng” - BS Nguyễn Hữu Quốc, Giám đốc BV quận Gò Vấp, cho biết thêm.

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, từ cuối năm 2013 đến nay, Sở Y tế đã giao cho ba bệnh viện là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh Nhiệt đới, tập huấn về tiếp nhận và điều trị sởi cho các bệnh viện quận/huyện, đặc biệt là nhận biết dấu hiện trở nặng, biến chứng để xử lý thích hợp. Do vậy, hiện nay tất cả các bệnh viện quận/huyện đều có thể tiếp nhận, điều trị sởi bình thường, trừ trường hợp biến chứng nặng phải chuyển lên tuyến trên.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm