Sửa luật để chặn tình trạng ‘hoàng hôn nhiệm kỳ’

Sáng 8-11, trong phiên thảo luận tổ về dự án Luật Tố cáo sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đề nghị phải đưa nhóm đối tượng cán bộ về hưu vào diện xử lý khi có tố cáo để ngăn chặn tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”. ĐBQH Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nêu thực tế: Thời gian qua có tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, trước khi về hưu có trường hợp ký đất, ký dự án, ký bổ nhiệm cán bộ tràn lan. Do đó, luật phải đặt ra vấn đề này để có cơ chế giải quyết các hành vi của cán bộ, công chức xảy ra thời điểm đương chức nhưng bị tố cáo, phát hiện khi đã về hưu.

“Quan điểm của cá nhân tôi cần phải bổ sung đối tượng cán bộ, công chức đã nghỉ hưu vào trong Luật Tố cáo để xử lý những vấn đề mà thực tiễn đã đặt ra. Làm như vậy để có tính răn đe, từ đó cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ” - ông Thanh nói.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Bây giờ phải hoàn thiện pháp luật để tất cả cán bộ, công chức trong thi hành nhiệm vụ luôn phải có tinh thần trách nhiệm. Đừng nghĩ tôi còn hai năm nữa về hưu, thế thì về xong là thôi. Không phải!”.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cũng cho rằng đã có quy định bảo vệ người tố cáo thì cũng cần có quy định tương tự để bảo vệ người bị tố cáo. Vì thực tế cho thấy nhiều tố cáo sai sự thật, đặc biệt là tố cáo nặc danh, tố cáo trước khi làm quy trình bổ nhiệm… khiến nhiều cán bộ bị mất cơ hội làm lãnh đạo.

Theo ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Huế), dự thảo luật chỉ điều chỉnh với các trường hợp đơn nặc danh có bằng chứng, thông tin rõ về người vi phạm. Nhưng thực tế, số lượng các đơn nặc danh, mạo danh rất nhiều, có thể dưới dạng tờ rơi, phức tạp vô cùng. Nó gây dư luận xấu, gây mất uy tín khiến người ứng cử mất phiếu. “Thường những người làm được việc, dám nghĩ dám làm, nói thẳng nói thật, dám chỉ ra những mặt xấu của cơ quan là bị nặc danh nhiều. Trước bầu cử QH, có những ĐB rất cứng, rất thẳng, lo cho dân nhưng mà trật” - ông Nghĩa dẫn chứng.

ĐB Trịnh Thị Ngọc Thúy (TP.HCM) cũng cho rằng không loại trừ việc tố cáo có mục đích xấu. Khi cán bộ tới giai đoạn luân chuyển, bổ nhiệm thì hay bị tố cáo. Rõ ràng quyền, lợi ích của người bị tố cáo bị xâm phạm. “Cơ quan, tổ chức có thể mạnh dạn làm quy trình cán bộ khi có những đơn này và khi đơn tố đúng thì mạnh dạn bãi miễn. Như thế sẽ không mất cơ hội của cán bộ” - ĐB này nói.

Phải chấp nhận tố cáo bằng tin nhắn

Dự luật lần này chỉ quy định hai hình thức tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn thư. Riêng hình thức tố cáo bằng email, tin nhắn, mạng xã hội… không được đưa vào dự luật. Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, với tình trạng nguồn nhân lực hiện nay, nếu đưa các dạng tố cáo trên vào luật thì khó khả thi vì phải mất thời gian xác minh, xử lý…

Tuy nhiên, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đang ở thời đại công nghệ 4.0 thì việc tố cáo qua thư điện tử, tin nhắn… không thể “đặt ra bên ngoài” luật. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng nêu quan điểm: “Cái gì cũng có hai mặt. Trên thực tế ta khai thác chính quyền điện tử ở nhiều mặt, nếu ta không sử dụng các công cụ này để phục vụ cho tất cả hoạt động của chính quyền, Nhà nước và người dân thì nó lại là vấn đề không bình thường”.

Theo đó, ông Chính ủng hộ quan điểm đưa hình thức tố cáo bằng tin nhắn, thư điện tử... vào luật. Bởi theo ông, việc nhắn tin, thường người đứng đắn bao giờ cũng có đăng ký đàng hoàng, xác minh rất dễ, còn những thông tin giấu danh tính có thể phân loại, sàng lọc, xử lý nếu nội dung có căn cứ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm