Vụ bắt quả tang hai cán bộ nhận tiền "bảo kê" nhà không phép

“Tại sao họ vẫn không biết sợ?”

Sau thông tin hai cán bộ xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) bị bắt quả tang nhận hối lộ từ người dân để bao che việc xây dựng nhà không phép, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn bày tỏ sự lo ngại về việc làm của cả cán bộ và người dân. Có thể nói đây không phải là một hiện tượng cá biệt.

. Thưa ông, Bình Chánh là một trong những điểm nóng về xây dựng không phép, dù đã có nhiều biện pháp mạnh nhưng vẫn có việc cán bộ địa chính nhận tiền để làm ngơ. Ông nghĩ gì về việc này?

+ Tôi nghĩ vì sao họ vẫn không biết sợ? Phải chăng là do mối lợi quá lớn? Tôi cho rằng nguyên nhân là sự thiếu rèn luyện ý thức và bản lĩnh chống lại cám dỗ. Việc không tôn trọng pháp luật thì đã rõ, còn cơ chế nếu có kẽ hở lẽ ra họ phải kiến nghị để sửa đổi. Nếu nói vì lợi ích của người dân thì lại càng sai vì nếu bị phát hiện, công trình không phép đó vẫn bị lập biên bản và buộc tháo dỡ. Nếu tôn trọng pháp luật và tôn trọng quyền lợi người dân thì người cán bộ phải giải thích, yêu cầu người dân chấp hành đúng pháp luật để khỏi bị xử lý và tổn thất sau này.

. Hiện vẫn còn tình trạng xây dựng lại nhà trên nền đã bị tháo dỡ hoặc chung chi như trên. Theo ông, tại sao người dân vẫn chưa ngán ngại, phải chăng sự kiên quyết xử lý của chính quyền vẫn chưa đủ mạnh?

+ Tôi cho rằng nguyên nhân là nhu cầu bức bách về chỗ ở của người dân. Vì tình trạng đất của họ không đủ điều kiện để cấp phép nên họ tìm đến một chỗ dựa có thể giúp đỡ, bỏ qua để xây dựng không phép. Chuyện đó cũng bình thường. Do đó lỗi lớn nhất vẫn thuộc về người nhận hối lộ và làm ngơ cho sai phạm. Trong trường hợp cụ thể báo đã nêu, tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của cơ quan công an là không xử lý hành vi đưa hối lộ của người tố cáo.

Cưỡng chế nhà xây trái phép tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Ngọc Mai

. Lãnh đạo giải thích xã Vĩnh Lộc B là xã nông thôn mới, đang chờ chỉ đạo của TP nên tình trạng xây không phép mới tràn lan. Vậy có phải yếu tố “nông thôn mới” đã gây khó khăn trong việc kiểm soát xây dựng trái phép?

+ Tôi không nghĩ vậy. Việc có quy hoạch và là xã nông thôn mới chính là những yếu tố thuận lợi giúp phát triển nhanh hạ tầng kỹ thuật và xã hội của địa phương, từ đó quản lý tốt hơn hoạt động xây dựng. Đó không phải là những nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép tràn lan không kiểm soát được.

. Vừa qua TP ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Theo đó, thanh tra xây dựng (TTXD) chịu trách nhiệm về công trình sai phép, địa phương chịu trách nhiệm về công trình không phép. Việc tách bạch nhiệm vụ này sẽ “khỏe” cho lực lượng TTXD nhưng liệu có gây khó cho địa phương không?

+ Phân vai là để làm tốt hơn chứ không phải là tách bạch không liên quan, nên mới gọi là “quy chế phối hợp” giữa các lực lượng. Không phải từ đây TTXD thấy xây dựng không phép thì làm ngơ vì không thuộc trách nhiệm. TTXD vẫn có nhiệm vụ phát hiện vi phạm và phối hợp địa phương để quản lý hoạt động xây dựng.

. Lãnh đạo huyện Bình Chánh nói rằng “tất cả cán bộ địa chính, đô thị đều đưa vào tầm ngắm”. Điều này nên hiểu như thế nào?

+ Tầm ngắm ở đây là sự quản lý, giám sát cán bộ quản lý nhà nước. Đây là hoạt động bình thường với mọi trường hợp. Không phải tầm ngắm theo nghĩa là tất cả cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này đều đang có biểu hiện vi phạm. Nếu hiểu theo nghĩa đó sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ của anh em đang thực hiện nhiệm vụ.

. Xin cảm ơn ông.

CẨM TÚ

 

Bình Chánh tiếp tục cưỡng chế nhà không phép

Ngày 13-2, xã Vĩnh Lộc A đã tiến hành cưỡng chế sáu trường hợp xây dựng không phép trên địa bàn. Trong đó, ba trường hợp tự tháo dỡ, một trường hợp dời ngày cưỡng chế là nhà xưởng rộng hơn 2.000 m2 tại ấp 2A. Những trường hợp bị cưỡng chế chủ nhà đều xây kiên cố bằng tường gạch, mái tôn.

Điều đáng nói là nhà xưởng tại ấp 2A đã bị lập biên bản cưỡng chế từ khi thi công phần móng, thế nhưng đến nay đã xây dựng kiên cố bằng khung sắt, mái tôn. Trước tết, lãnh đạo huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng đã kiểm tra và yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp này.

MINH QUÝ

Theo báo cáo của các quận/huyện, trật tự xây dựng trước và sau tết vẫn tốt, không xảy ra nhiều vi phạm. Quản lý nhà nước là hoạt động thường xuyên, liên tục dù có hay không có sự việc tại xã Vĩnh Lộc B. Siết chặt quản lý dĩ nhiên là biện pháp tốt nhưng không có nghĩa là sẽ không bao giờ có vi phạm. Sự việc vừa qua cho thấy kẽ hở trong quản lý, từ đó đặt ra câu hỏi làm sao để hạn chế thấp nhất xảy ra tiêu cực. Trong cuộc họp đầu năm và cuộc họp sáng nay với lực lượng TTXD, tôi đã nhấn mạnh TTXD không đứng ngoài cuộc với xây dựng không phép mà luôn luôn là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng; đồng thời thông báo: Nếu buông lỏng nhiệm vụ, nhắc nhở đến lần thứ ba sẽ bị xử lý.

Ông PHAN ĐỨC NHẠN, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM

Triệt nhà không phép: Quyết liệt thôi chưa đủ

Đã tám tháng trôi qua kể từ thời điểm chính quyền từ TP đến các quận, huyện, phường, xã quyết liệt xử lý tình trạng xây nhà không phép. Hàng trăm căn nhà đã bị cưỡng chế tháo dỡ, nhiều cán bộ bị xử lý nghiêm. Những tưởng những giải pháp mạnh tay trên sẽ khiến cả người dân lẫn cán bộ tiếp tay cho xây “lụi” chùn bước nhưng rốt cuộc tình trạng này vẫn xảy ra. Đáng nói là việc vi phạm lại diễn ra ngay trên nền những căn nhà đã bị tháo dỡ.

Những nguyên nhân nổi cộm dẫn đến tình trạng xây nhà không phép đều đã được xác định: Do khâu quản lý đất đai và quản lý cán bộ của địa phương còn lỏng lẻo; do quy hoạch chưa rõ ràng; những người vi phạm chủ yếu là lao động nghèo bức bách trong việc tạo lập chỗ ở… Những giải pháp đi liền sau đó cũng được đề ra: Quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng được ban hành. Quy hoạch 1/2.000 hiện nay cũng đã phủ kín toàn TP. Công tác giám sát, quản lý cán bộ cũng được thắt chặt. Vậy tại sao người dân vẫn có thể xây nhà không phép để rồi điệp khúc xây, đập rồi lại xây vẫn cứ tiếp diễn nhức nhối? Tại sao những khu vực xảy ra tình trạng nhà xây không phép, người dân không chuyển mục đích sử dụng đất để có thể xây nhà hợp pháp? Có phải vì chính sách pháp luật về đất đai (như tiền sử dụng đất, quy hoạch) đòi hỏi quá nhiều thủ tục nằm ngoài tầm với của người dân hay vì người dân không đủ tiền nên bất chấp pháp luật? Và liệu vấn đề có còn loanh quanh ở khâu con người, chính sách về quy hoạch và đất đai khi mà tình trạng nhập cư vẫn gia tăng hằng năm, chủ yếu đổ về các khu vực vùng ven và ngoại thành?

Sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo TP không phải chỉ chăm chăm vào việc cưỡng chế tháo dỡ các trường hợp vi phạm. Vấn đề sâu xa vẫn là làm sao giải quyết được nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho người dân. Muốn vậy, đã đến lúc cần phải có hẳn đề tài nghiên cứu đồng bộ giữa nhiều ngành để tìm ra giải pháp thích hợp chứ không chỉ giải quyết ở góc độ quy hoạch hay xử phạt. Qua đó, những vấn đề trong thẩm quyền thì TP có giải pháp xử lý ngay, ngoài thẩm quyền thì xin ý kiến cấp trên để tháo gỡ khó khăn cho TP. Khi đó câu chuyện về nhà không phép mới có hy vọng khép lại.

VIỆT HOA

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.