Tang thương: Hồ nước san bằng khu dân cư ở Nha Trang

Ngày 19-11, trong lúc chính quyền, người dân địa phương đang tập trung lo đám tang ba cha con thầy giáo Trần Hoàng Phong (33 tuổi, giáo viên Trường CĐ Mẫu giáo Trung ương 2) thì vợ thầy Phong là cô giáo Nguyễn Thị Thủy (giáo viên một trường dân lập ở TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng qua đời.

Bốn quan tài đặt ở nhà cha ruột thầy Phong vì căn nhà vốn của vợ chồng thầy đã bị nước san phẳng, chôn vùi trong đất đá.

Kinh hãi nước ập xuống nổ như bom

Hơn 10 căn nhà dưới chân núi ở tổ dân phố Hòa Tây, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị nước phá hủy, san bằng hoàn toàn.

Nhiều căn nhà giờ chỉ còn trơ nền cùng đất đá ngổn ngang. Hầu hết nhà cửa, vật dụng đều bị đánh vỡ vụn, chôn sâu dưới đất đá. Cả khu dân cư như vừa bị một trận dội bom khủng khiếp, tất cả không còn gì nguyên vẹn!

Ông Ngô Văn Ửng (40 tuổi) vừa được bà con cho một bộ áo quần để mặc tạm vì không còn gì, nhìn căn nhà giờ chỉ còn lại cái nền. Ông là người đầu tiên phát hiện hồ nước trên núi nằm ngay trên đầu khu dân cư bị vỡ.

Rơm rớm nước mắt, ông kể giây phút kinh hoàng: Khoảng 8 giờ sáng 18-11, nước từ trên núi ồ ạt đổ xuống càng lúc càng nhiều, rất mạnh, tràn vào các căn nhà. Thấy bất thường, tôi leo lên núi xem thử và kinh hãi khi nhìn thấy đất xung quanh hồ sắp vỡ, nước xé ra khắp nơi. Tôi hoảng hốt, vội vàng vừa bò xuống vừa kêu la là hồ sắp vỡ. Ông Ửng vừa lôi vợ con chạy ra phía ngoài vừa hô hoán cho các gia đình trong khu vực để chạy.

“Nhà thầy Phong cạnh nhà tôi nên tôi la lớn sang là “chạy đi, chạy đi!”. Ngay sau đó, một tiếng như bom nổ trên núi rồi trong tích tắc nước đổ xuống ầm ầm, cuốn hết mọi thứ. Cùng với đó, đất đá đổ xuống như có động đất. Do vợ chồng thầy Phong có hai con nhỏ nên chạy không kịp” - ông Ửng bàng hoàng kể.

Ông Lê Xuân Tân (ở cạnh nhà thầy Phong) kể thêm: Lúc nước bắt đầu đổ xuống ầm ầm, thầy Phong đang đứng trước nhà vội vàng chạy vào bế con nhưng không kịp. Chỉ trong vòng hai phút sau, cả khu dân cư bị san phẳng, chìm trong dòng nước cuồn cuộn cùng đất đá.

Theo người cậu của thầy Phong, thi thể hai cháu bé sáu tuổi và 11 tháng tuổi, con của vợ chồng thầy Phong, bị nước cuốn xa, chôn vùi trong đống đổ nát. Thầy Phong bị đất đá, cây cối lấp sâu, đến cuối ngày 18-11 mới tìm thấy. Vợ thầy Phong bị nước cuốn xa khỏi nhà hơn 70 m, mắc kẹt trên ban công tầng hai một căn nhà dưới chân núi. Mọi nỗ lực cứu chữa cô Thủy đã bất thành...

Thảm họa ở phường Vĩnh Hòa, Nha Trang nghi do hồ nước vỡ gây ra. Ảnh: T.LỘC

“Do dự án làm hồ nước”

Nhiều người dân ở tổ dân phố Hòa Tây cho rằng chính hồ nước trên núi bị vỡ đổ xuống gây thảm họa chứ không phải sạt lở núi.

Đây là cái hồ mới đào trên đỉnh núi, nằm ở độ cao hơn 50 m so với khu dân cư bên dưới, nằm trong khu vực dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú do Công ty TNHH Đầu tư-Phát triển Thanh Châu (công ty) làm chủ đầu tư.

Theo nhiều người dân, năm 2017, khi thấy công ty làm hồ ngay trên đầu khu dân cư, người dân đã phản đối quyết liệt. Cách đây hơn 10 ngày, chủ đầu tư cho máy múc, đào thành một cái hồ trên núi, dùng đá tảng bao quanh bờ hồ bằng đất. Mưa lớn nên nước trong hồ dâng cao.

“Chúng tôi sống ở đây mấy chục năm, chưa bao giờ thấy sạt lở đất đá vì nền đá trên núi rất chắc. Mưa lớn nước có chảy xuống nhưng chưa bao giờ phá vỡ, cuốn trôi nhà cửa như vậy. Thế nhưng dự án khu dân cư Hoàng Phú làm cái hồ đó, chứa một lượng nước rất lớn, làm hồ bị vỡ, đổ thẳng xuống khu dân cư”- ông Lê Xuân Tân nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi, giữa một khu đất bằng phẳng, rất rộng trên núi, một cái hồ khá rộng vừa được đào múc, chưa xây dựng bằng bê tông, xi măng. Theo nhiều người dân, hồ có chiều dài hơn 70 m, ngang gần 20 m, sâu hơn 2 m. Bờ hồ phía khu dân cư đã bị vỡ tan tành, vẫn còn dấu vết đất đá bị cuốn.

Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, cho hay: Sau khi nước đổ xuống làm chết người, cuốn trôi nhà cửa, ông đến hiện trường thì người dân bức xúc cho rằng chính cái hồ đó là nguyên nhân. Lúc này chính quyền địa phương mới biết Công ty TNHH Đầu tư-Phát triển Thanh Châu đang làm hồ trên núi hơn 10 ngày nay. “Làm hồ nước nằm ngay trên đầu khu dân cư như thế, rất nguy hiểm! Nếu biết họ làm hồ như vậy, khi có mưa lớn, chúng tôi đã sơ tán người dân đi nơi khác rồi!” - ông Đông nói.

Cũng theo ông Đông, nền đá khu vực trên rất ổn định, hàng chục năm nay chưa xảy ra sạt lở, người dân sống bình thường hàng chục năm qua. “Khu vực này chủ yếu là đá tảng rất cứng. Ngay cả mưa lớn như năm 2016 cũng không xảy ra sạt lở. Quan sát hình thể nước đổ xuống khu dân cư vừa rồi, tôi cho rằng đó không phải do sạt lở. Chính vậy nên người dân mới bức xúc!”. Ông nói và cho biết thêm các cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường để làm rõ. “Trách nhiệm của ai thì phải xử lý theo quy định” - ông Đông kiến nghị.

Ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cho biết ngày 19-11, Sở cùng các cơ quan chức năng đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra việc xây dựng của công ty. Theo ông Thọ, chủ đầu tư có sử dụng phương tiện múc đất “tạo thành trũng” nhưng chưa biết xây dựng hạng mục gì. “Trong hồ sơ thiết kế, quy hoạch 1/500, không cho phép xây dựng hồ nước ở khu vực đó. Chúng tôi đã yêu cầu chủ đầu tư giải trình múc đất chỗ đó làm gì nhưng chủ đầu tư đang bận làm việc với cơ quan chức năng khác”. Ông Thọ cũng nhận định nhiều khả năng việc múc đất tạo thành hố nước. Khi mưa lớn, nước đổ xuống, tuôn luôn cả đất đá trên núi xuống khu dân cư…

PV đã liên hệ với công ty trên để lấy thêm thông tin nhưng chưa có kết quả.

Thảm họa: 20 người chết và mất tích

Chiều tối 19-11, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết: Sạt lở ở địa phương làm 17 người chết, ba người mất tích, 31 người bị thương.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 19-11, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, nhận định: Thảm kịch ở Nha Trang có nhiều lý do, trong đó có lý do áp thấp nhiệt đới đã gây mưa lớn kỷ lục tại Nha Trang trong 20 năm qua. Dữ liệu ghi được cho thấy mưa cục bộ quá lớn tại Nha Trang (trong 12 giờ lượng mưa vượt hơn 300 mm). Đây là tình trạng mưa cực đoan, tập trung với lượng lớn tại khu vực hẹp và dốc, gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Ông Sơn nhấn mạnh: Phát triển kinh tế-xã hội nếu không lồng ghép với giảm rủi ro thiên tai sẽ dẫn đến rủi ro thiên tai mới.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy