Tạo cơ chế thuận lợi cho TP.HCM phát triển

“TP.HCM phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu TP.HCM có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ những tháng cuối năm 2017, diễn ra ngày 23-6.

Hai đại dự án có nguy cơ chậm tiến độ

Báo cáo với Thủ tướng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết hai dự án trọng điểm của TP là dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên và dự án cải thiện môi trường nước TP lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ có nguy cơ chậm tiến độ. Hiện nay nhu cầu vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cấp phát giai đoạn 2016-2020 của hai dự án trọng điểm này là 29.512 tỉ đồng.

Theo ông Liêm, UBND TP đã ba lần kiến nghị Thủ tướng bố trí đủ vốn cho các dự án trên. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT chỉ bố trí cho TP 11.517 tỉ đồng cho hai dự án đó, chỉ đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn ODA của TP. Với số vốn trên, TP rất khó hoàn thành tiến độ hai dự án trên đúng thời gian quy định.

“Hiện khối lượng thi công các dự án đang đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí. Các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán, nếu không sẽ ngưng thi công. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung” - ông Liêm nói và kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ vốn cho hai dự án trên trong giai đoạn 2017-2020 (bổ sung thêm 17.995 tỉ đồng).

Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đề nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.963 tỉ đồng từ nguồn vốn của SCIC cho 36 dự án chống ngập cấp bách của TP. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng chấp thuận bổ sung 10.000 tỉ đồng cho TP để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TP.HCM. Ảnh: TL

Hạ tầng đường bộ kém xa Hà Nội

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng dù là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nhưng hạ tầng giao thông của TP.HCM chưa tốt. Các dự án vành đai, metro chậm trễ làm ảnh hưởng đến tổng quan hạ tầng giao thông toàn vùng. Vì vậy, TP.HCM cần bổ sung quy hoạch, chủ động làm sớm các dự án quan trọng (như tàu điện ngầm), các dự án lớn ở nội đô và các đường vành đai.

“Hạ tầng đường bộ của TP.HCM hiện kém xa Hà Nội. Ở thủ đô, tất cả cửa ngõ đều thông thoáng, có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai khép kín. Còn ở TP.HCM, Vành đai 3 đóng vai trò vực dậy kinh tế cả vùng nhưng chưa có đoạn nào làm trọn vẹn” - ông Đông nói và giải thích rằng so sánh như thế không phải có ý chê bai mà để thấy được thực trạng giao thông của TP đang chưa tốt.

Từ phân tích đó, ông Đông đề nghị TP.HCM nhanh chóng hoàn thiện khép kín đường Vành đai 2, các đoạn đường gặp khó khăn của Vành đai 3. Đây là các dự án lớn, cấp bách, có vai trò quan trọng trong quy hoạch giao thông TP và cả vùng miền.

Đáp lại lời ông Đông, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP sẽ chủ động phối hợp với Bộ GTVT trong việc rà soát lại quy hoạch, cũng như việc thực hiện quy hoạch giao thông.

Chính phủ luôn ủng hộ TP.HCM

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết TP.HCM có vị trí quan trọng, là trung tâm của cả nước trong tất cả lĩnh vực và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng qua hội nghị này cho thấy TP vẫn còn một số bất cập như chỉ số năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của TP. Đáng lưu ý có chỉ tiêu dưới trung bình nhiều năm liên tục như chi phí không chính thức, sự cạnh tranh bình đẳng… Đặc biệt, các bất cập về đô thị như ùn tắc giao thông, ô nhiễm, ngập úng nếu không giải quyết tốt thì sẽ làm mất đi tính hấp dẫn, cạnh tranh của TP.HCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn ủng hộ, cùng giải quyết những khó khăn và đồng hành với TP.HCM có cách làm mới để tạo sự tăng trưởng đột phá. “Chúng ta phải nhìn qua những TP thành công trên thế giới, vượt qua “ngưỡng an toàn là trên hết”, tìm cách đột phá, có những cách làm mới. Hãy vượt qua suy nghĩ TP đã đạt được ngưỡng không thể phát triển bứt phá” - Thủ tướng đề nghị.

Thủ tướng cũng khẳng định cơ bản đồng ý với các kiến nghị của TP.HCM đồng thời đề nghị các bộ, ngành cần có sự phối hợp với TP.HCM để giải quyết các kiến nghị của TP. “Các bộ, ngành trung ương gắn trách nhiệm của mình trong việc tập trung giải quyết các nút thắt của TP.HCM. Trung ương không đứng ngoài cuộc mà sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho TP.HCM phát triển” - Thủ tướng nói.

Đề nghị tăng gần 5.000 tỉ cho chi thường xuyên

Về việc phân bổ định mức chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng từ mức 32.402 tỉ đồng như phân bổ lên 37.348 tỉ đồng.

Lý do, theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm là dân số có hộ khẩu của TP năm 2016 là 8,4 triệu người nhưng nếu tính đúng, tính đủ, bao gồm dân nhập cư và vãng lai là hơn 10 triệu. Do đó, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tăng mức chi thường xuyên lên 100% với dân số thực đang sinh sống tại TP, thay vì chỉ tính mức 70% như hiện nay và đề nghị áp dụng tương tự cho các năm sau.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm