2 tỉ USD và sự minh bạch

'Thi truong chung khoan mat 2 ty USD trong ngay 9/8 vi tin don' hinh anh 1
Trong ngày 9-8, tin đồn khiến thị trường chứng khoán mất khoảng 2 tỉ USD Ảnh: plo.vn
Thị trường chứng khoán đã bị thổi bay 2 tỉ USD chỉ trong ngày 9-8-2017 vì một tin đồn là công an bắt ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV. Sụt giảm nặng nề nhất là nhóm cổ phiếu của 10 ngân hàng thương mại, gần 16.000 tỉ đồng đã bốc hơi sau tin đồn này.
Đây không phải là lần đầu tiên; mấy năm trước cũng tin đồn tương tự đối với nhân vật này, 1,5 tỉ USD đã bốc hơi. Công an sau đó đã tìm ra và xử lý hình sự người tung tin giả.
Lần này thì không, bởi khởi phát không phải là tin giả, bắt đầu từ một status của một KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đăng tấm ảnh chụp ông Trần Bắc Hà với lời bình về lối sống dựa vào thánh thần. Bởi trước đó cũng facebooker này đưa tin trước về việc Trịnh Xuân Thanh về nước và một ngày sau cơ quan công an ra thông báo đúng như vậy nên lần này, với status về đại gia ngân hàng, dư luận nghĩ ngay đến chuyện bắt bớ. Mạng xã hội sôi lên và thị trường chứng khoán vốn nhạy cảm đã có những phản ứng lập tức, giá cổ phiếu tuột dốc kinh khủng. Chốt phiên giao dịch ngày 9-8, toàn thị trường niêm yết đã bay hơi gần 46.000 tỉ đồng, tương đương 2 tỉ USD.
Vì vậy, phải gọi đó là hệ quả của sự phản ứng quá chậm trễ bằng thông tin chính thống.
Fake news hay tin giả, tin ngụy tạo thực ra không mới, nó tồn tại từ thời xửa thời xưa. Vấn đề là cùng với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, sự gia tăng chóng mặt của người dùng Internet và mạng xã hội, nó lan truyền nhanh hơn, mạnh hơn và gây hậu quả khủng khiếp hơn.
Có muôn ngàn lý do để người ta tung tin giả. Có thể là do những động cơ kinh tế, chính trị, mâu thuẫn cá nhân, muốn nổi tiếng hoặc câu views. Về phía người tiếp nhận, là do sự thiếu đói thông tin, thiếu khả năng và điều kiện kiểm chứng và cả sự hời hợt lẫn thiếu trách nhiệm khi chia sẻ thông tin mà bản thân mình không biết nó là giả hay là thật.
Cạnh đó là tâm lý đám đông. Những gì dính đến sức khỏe và tiền bạc cá nhân đều có thể khiến người ta hoảng hốt và trạng thái tâm lý ấy lây truyền rất nhanh qua người cùng hội. Với nhiều người đầu tư chứng khoán, không phải ai cũng có một độ dày kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, không phải ai cũng có đủ thông tin và khả năng phân tích trước những thông tin biến động không được giải đáp. Vì thế, việc ồ ạt bán ra khiến giá cổ phiếu sụt giảm trước tin đồn bất lợi là điều dễ hiểu.
Đối phó với fake news không gì khác hơn là sự minh bạch và kịp thời. Con số thiệt hại lẽ ra không ở mức nhiều tỉ USD như thế nếu ngay khi biết có tin đồn bất lợi, chính quyền kịp thời đưa ra những thông tin chính thức, rõ nguồn, rõ địa chỉ và trách nhiệm phát ngôn. Khi im lặng trước tin giả tức là đã nhường chỗ cho nó tung hoành. Người thiệt hại không chỉ là cá nhân các nhà đầu tư chứng khoán mà cả nền kinh tế. Dù đã có những phát ngôn chính thức sau đó, nhưng với một thị trường nhạy cảm và phản ứng tức thời như chứng khoán, thời gian để đối phó với fake news không thể tính bằng ngày mà bằng phút, bằng giờ.
Chúng ta vẫn nói về quyền tiếp cận thông tin; vẫn nói về xử lý khủng hoảng và rủi ro truyền thông nhưng ta chưa có một thiết chế tốt nhằm đảm bảo rằng chính quyền sẽ phản ứng kịp thời để giảm thiểu thiệt hại của tin xấu. Người ta nói nếu công lý đến muộn thì nó không còn là công lý; ở đây cũng có thể hiểu rằng khi sự minh bạch đến muộn thì nó không còn là minh bạch. Thị trường chứng khoán không thể ngừng các phiên giao dịch, chờ một ngày sau để có tin chính thức minh định một fake news được lan truyền hôm nay.
Một thiết chế đảm bảo quyền tiếp cận, sự minh bạch thông tin; một bộ máy luôn sẵn sàng ứng phó với fake news không thể tạo nên từ ý tưởng hay sự quyết tâm chung chung. Nó cần phải được luật hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm