Biểu quyết về công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu: Còn tranh luận thì chưa vội sửa

Báo cáo tiếp thu giải trình của đoàn chủ tịch tại buổi làm việc sáng 18-1, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang cho biết: Đại hội đã tiếp nhận 1.402 lượt ý kiến phát biểu ở các đoàn và 27 ý kiến thảo luận tại hội trường. Hầu hết các ý kiến đồng tình với dự thảo các văn kiện trình đại hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được ngã ngũ, phải đưa ra đại hội để lấy ý kiến biểu quyết, trong đó có vấn đề “công hữu về tư liệu sản xuất (TLSX) chủ yếu”.

Nhiều điều chưa rõ

Đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN được ghi trong Nghị quyết Đại hội X là có “quan hệ sản xuất tiên tiến, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”. Theo tiếp thu của đoàn chủ tịch, cách ghi như vậy tuy phù hợp với chính sách phát triển các thành phần kinh tế trong giai đoạn hiện nay nhưng lại có phần trừu tượng, không rõ.

Nghe xong, đại biểu Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát biểu: Đoàn chủ tịch nói phương án theo đại hội X thiếu cụ thể, hơi trừu tượng nhưng xem ra phương án theo Cương lĩnh 1991 (dựa trên “công hữu về TLSX chủ yếu”) có vẻ cụ thể nhưng lại không cụ thể. “Công hữu là gì ta vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Rõ ràng công hữu không phải là quốc doanh hóa hay tập thể hóa mà ta đang tìm tòi, nghiên cứu một hình thức công hữu xã hội tương lai. Nhưng thực tế, khi nghe nói đến mô hình công hữu thì ai cũng đều nghĩ là quốc doanh hóa và tập thể hóa” - ông Thúy nhấn mạnh.

Biểu quyết về công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu: Còn tranh luận thì chưa vội sửa ảnh 1

Đại biểu đang đọc các phương án để biểu quyết. Ảnh: TH

Cũng theo ông Thúy, hiểu thế nào về TLSX chủ yếu cũng có rất nhiều điều rối rắm. Trong nông nghiệp, đất đai là TLSX chủ yếu nhưng vấn đề này còn phức tạp, đang tranh luận. Trong công nghiệp, công cụ sản xuất là yếu tố độc nhất, quyết định nhất của khái niệm TLSX. “Đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài cũng làm ra các nhà máy, công xưởng. Vậy sở hữu ấy thuộc ai? Chúng ta lại đang cổ phần hóa các công cụ sản xuất ở các nhà máy của quốc doanh, vậy đấy có phải là xa rời chế độ công hữu không hay là tiến tới một chế độ công hữu của học thuật?” - ông Thúy tiếp tục tranh luận và chỉ rõ: Về mặt lý luận, Mác không dùng từ “công hữu” mà nói “xây dựng một xã hội dựa trên sở hữu xã hội TLSX và kinh tế cổ phần, công ty cổ phần là hình thức tiến bộ của tổ chức mô hình kinh tế tương lai”.

Đừng tự trói mình

Đối với luận điểm chỉ cần thông qua cơ chế, luật lệ, chính sách để khuyến khích thu hút đầu tư, kinh doanh, ông Thúy cũng nêu thắc mắc, vậy liệu các chính sách này có theo định hướng của cương lĩnh hay không? “Cương lĩnh phải định hướng cho những chính sách ấy, nếu không theo thì chúng ta đi sai hướng, còn nếu theo thì làm sao chúng ta có thể vừa khuyến khích phát triển tư nhân lại vừa nói tiến tới chế độ công hữu về TLSX chủ yếu? Vị cựu thống đốc tiếp tục vạch ra mâu thuẫn và đề nghị chọn phương án Đại hội X.

“Nói là dựa trên quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp đúng là chưa cụ thể nhưng cái chưa cụ thể này còn mở rộng đường hơn cho việc tiếp tục hoàn thiện. Chứ còn nếu chúng ta trói lại dựa trên chế độ công hữu về TLSX chủ yếu thì riêng tranh luận mắc mớ, bên trong bên ngoài cũng đủ làm khó khăn cho việc hoạch định chính sách của ta!” - ông Thúy kết thúc tranh luận.

Thiểu số phục tùng đa số

Điều hành phiên làm việc sáng 18-1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho hay sở hữu là vấn đề vừa cơ bản vừa thực tiễn và đã được thảo luận rất nhiều, đến ba, bốn đại hội. “Từ khi xây dựng Cương lĩnh 1991 đã tranh luận vấn đề này rồi, lần này thảo luận lại có ý kiến khác” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đoàn chủ tịch quyết: Những vấn đề đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn chứng minh là đúng và đã có sự thống nhất tương đối rồi thì hãy sửa. Còn những vấn đề nào chưa đủ rõ, chưa đủ chín, thực tiễn còn đang vận động, ý kiến còn khác nhau thì xin phép chưa sửa đổi, sửa rồi mai kia lại vênh.

“Với tinh thần đó, đại hội sẽ biểu quyết về vấn đề này. Các đồng chí thể hiện chính kiến của mình vào các phương án: Phương án một giữ nguyên như Cương lĩnh 1991: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về TLSX chủ yếu”; phương án hai theo tinh thần đại hội X: “Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”. Và theo nguyên tắc thì thiểu số phải phục tùng đa số” - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kết luận.

Ngay sau đó, đại hội đã tiến hành bỏ phiếu biểu quyết. Hôm nay (19-1), đại hội sẽ công bố kết quả biểu quyết.

Một số nội dung được tiếp thu vào các văn kiện

- Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng sẽ quy định theo hướng mở rộng độ tuổi người vào Đảng đối với người là đoàn viên công đoàn do ban chấp hành công đoàn cơ sở giới thiệu.

- Trong phần xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh bổ sung nội dung: xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp.

- Tiến hành tổng kết việc nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước để có chủ trương phù hợp. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm