Bội chi và nỗi lo ‘bóc ngắn cắn dài’

Theo đó, mức bội chi ngân sách nhà nước được cho phép là 204.000 tỉ đồng, tương đương 3,7% GDP gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỉ đồng, tương đương 3,54% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỉ đồng, tương đương 0,16% GDP. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỉ đồng.

Dẫu biết rằng phát triển thì cần phải có vốn nhưng chỉ cần để ý đến mức tổng thu và tổng chi ngân sách đã thấy tình trạng “bóc ngắn cắn dài”. Bội chi ngân sách dẫu biết là “chuyện thường ngày ở huyện” nhưng phát triển bền vững không thể không nghĩ tới chuyện “miệng ăn núi lở”.

Chợt nhớ tới phương án mà ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã kiên trì đề nghị tại hai kỳ họp QH vừa qua khi bàn tới sân bay Long Thành. Ông Chính chỉ kiên trì phương án tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, mỗi năm 1% thì đã có ngay 10.000 tỉ đồng. Vẫn theo ông Chính, nếu vậy chỉ cần hai năm là đã đủ kinh phí cho dự án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư sân bay Long Thành.

Đành rằng bộ máy hiện nay cần phải duy trì để hoạt động tốt nhưng mức chi thường xuyên chiếm tới 65% ngân sách vẫn đang đặt ra những vấn đề về tiết kiệm, chống lãng phí. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói chỉ cần tiết kiệm lễ hội, lễ kỷ niệm, các hoạt động không cần thiết thôi thì ngân sách đã bớt đi một gánh nặng.

Chẳng nói đâu xa, có những tỉnh tổ chức lễ hội xa hoa, riêng quà cho đại biểu đã tới hơn 60 tỉ đồng. Có những doanh nghiệp nhà nước tiền kỷ niệm chương cũng tốn gần chục tỉ đồng. Gánh nặng này ngân sách gánh chứ chẳng san sẻ cho ai.

Nhưng đâu phải chỉ có thế, những dự án ngàn tỉ đồng “đắp chiếu” đang đặt ra hiệu quả đầu tư. Phải chi những con số ngàn tỉ đồng ấy, vốn cũng chỉ lấy từ ngân sách nhà nước, phát huy được hiệu quả, không lãng phí, thất thoát thì chắc hẳn ngân sách cũng chẳng đến nỗi bí bách như mấy năm qua.

Nhưng hy vọng cho tương lai cũng không còn xa khi tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được đặt ra. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 mới đây đã nhấn mạnh điều này. Có thể đất nước sẽ bật lên khi bộ máy cồng kềnh không còn là đá tảng kìm hãm sự phát triển.

Ngân sách cũng vì vậy mà không bị những lãng phí đến mức phổ biến hút cạn. Dự toán ngân sách có lẽ sẽ không rơi vào cảnh bí bách dẫu rằng “liệu cơm gắp mắm” vẫn cần thiết. Vay để bù đắp bội chi hy vọng sẽ chỉ còn là hoài niệm. Tiết kiệm bởi vậy chưa bao giờ đánh mất vai trò là “quốc sách” của Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm