Chính sách sử dụng người tài bị… nghẽn?

Các thủ khoa rạng rỡ, tươi vui với những vòng hoa quanh cổ. Các vị lãnh đạo chúc mừng, tặng quà, giấy khen và biểu dương các thủ khoa - vốn quý của đất nước; khẳng định Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất để các thủ khoa có cơ hội cống hiến cao nhất.

Cũng trong bản tin trên, khi được phỏng vấn, thủ khoa Lê Việt Hoàn của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã trình này nỗi ưu tư của mình: Em đã đi xin việc một số cơ quan nhà nước ở Hà Nội và tỉnh lân cận nhưng đều bị từ chối. Trước đó, trên báoPháp Luật TP.HCMngày 24-8 cũng đưa tin thủ khoa đầu ra của Trường ĐH GTVT Hà Nội Lê Văn Ngọ không xin được việc làm. Ngọ tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư an toàn giao thông, mặc dù đã nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng cũng chỉ nhận được câu từ chối với lý do “chưa có kinh nghiệm”. Từ thông tin báo chí, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng quyết định nhận sinh viên này về Viện Khoa học công nghệ GTVT theo nguyện vọng của em.

Thời gian qua, nhiều địa phương, nhiều ngành đã đưa ra các chính sách thu hút và sử dụng nhân tài. Chính sách ghi rõ ưu tiên tuyển sinh viên tốt nghiệp loại giỏi; đưa ra mức lương hấp dẫn kèm theo các chế độ đãi ngộ khác như thưởng số tiền lớn, nhà ở, chế độ đi học… Thế nhưng trên thực tế khi các thủ khoa đến gõ cửa, họ chỉ nhận được cái lắc đầu.

Trước thực tế trên, không thể không có sự hoài nghi: Dường như các chính sách thu hút và sử dụng nhân tài chưa đi vào thực chất, nói chưa đi đôi với làm?

Ngày trước, cha ông ta cũng đã có chính sách thu hút và sử dụng nhân tài. Với quan niệm “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, cha ông ta cũng tổ chức ra nhiều hình thức để thể hiện sự tôn vinh của xã hội với người tài như khắc tên lên bia đá, tổ chức vinh quy bái tổ… Và điều quan trọng nhất là các nhân tài sau khi đỗ đạt được bổ dụng ngay mà không cần đặt yêu cầu “phải có kinh nghiệm”.

So với cha ông ta, hình như chính sách sử dụng người tài của ta còn thua xa. Vì sao có hiện tượng đáng buồn như vậy? Có lẽ đã đến lúc cần xem lại chính sách bị nghẽn ở đâu, do khách quan hay chủ quan? Hay chính sách bị nghẽn là do cán bộ thừa hành làm chưa tốt, “trên nói dưới không nghe” hay tệ nhũng nhiễu đòi phong bì?

Động tác nhận người tài của Bộ trưởng GTVT là đáng hoan nghênh nhưng người ta mong muốn chính sách sử dụng nhân tài được triển khai rõ ràng, minh bạch để ai cũng có cơ hội cống hiến. Một chính sách khả thi như vậy mới trở thành nguồn động viên các sinh viên ra sức phấn đấu, học tập.

Tất nhiên người tài thì có nhiều hướng đi vào đời chứ không chỉ chăm bẳm vào các cơ quan nhà nước. Vấn đề là chính sách sử dụng nhân tài đã ban ra thì phải thực thi; chứ nếu không Nhà nước vẫn tiếp tục tốn ngân sách đào tạo nhưng người tài lại bỏ ra làm cho công ty nước ngoài, còn cơ quan nhà nước thiếu vẫn thiếu.

Thiết nghĩ nếu không rà soát, khai thông chính sách sử dụng người tài thì những buổi lễ tuyên dương hoành tráng cũng chỉ là hình thức mà thôi!

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm