Công bằng nào cho người bị kỷ luật oan?

Bởi vào tháng 3-2017, sau nhiều năm ròng rã kêu oan thì cô Thu đã được chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu lãnh đạo huyện hủy các quyết định sai, phục hồi quyền lợi cho cô.

Điều ngạc nhiên, gần một tháng sau chỉ đạo của chủ tịch tỉnh, ông chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận đã ra quyết định hủy các quyết định sai trước đó, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phục hồi chức vụ hiệu trưởng đối với cô Thu. Điều đó khiến cô Thu tiếp tục gõ cửa cầu cứu các cơ quan chức năng để được giải quyết thỏa đáng.

Còn nhớ năm 2013, 2014 Pháp Luật TP.HCM đã có rất nhiều bài phản ánh vụ việc dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh, công tác tại Phòng Giám định y khoa (GĐYK), Sở Y tế tỉnh Bình Phước, từng bị bốn lần sa thải trái luật do tố cáo các tiêu cực của lãnh đạo phòng và cán bộ Sở Y tế. Dù Tỉnh ủy Bình Phước giao UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu Sở Y tế tỉnh thu hồi quyết định sa thải trái luật, xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân tại phòng GĐYK nhưng mọi chuyện cứ trầy lên trật xuống. Sau bốn lần sa thải trái luật, Sở Y tế phải nhận lại dược sĩ Oanh.

Đơn cử hai trường hợp mà chúng tôi trực tiếp phản ảnh trên đây để thấy rằng việc đòi lại công bằng cho người bị kỷ luật oan gian nan biết nhường nào. Họ bị đặt vào tình thế “bất đối xứng” khi một mình chống chọi lại với cấp trên. Chức vụ, công việc bị mất, tinh thần bị tổn thương, sức khỏe bị ảnh hưởng. Danh dự trước đồng nghiệp và xã hội bị vùi dập, có khi không biết sao lấy lại được. Tất cả mất mát đó có khi không có vật chất nào đo đếm được. Ấy vậy mà khi họ được chính thức giải oan, cái hành trình trả lại công bằng cho họ còn gian nan không kém. Thậm chí ở trường hợp của cô giáo Hoài Thu, đến mức lãnh đạo tỉnh chỉ đạo vậy mà lãnh đạo huyện cũng chấp hành theo kiểu rất ầu ơ, kéo dài sự vụ khiến người trong cuộc lẫn công luận đều bức xúc.

Trong một nhà nước pháp quyền, sự bình đẳng trước luật pháp luôn cần được đảm bảo. Sai thì xử, gây oan thì phải trả lại công bằng cho người bị oan một cách sòng phẳng và thành khẩn nhất.

Với những gì mà các cấp liên quan đã làm với người bị kỷ luật oan, có thể nói họ đã quên đi trách nhiệm công vụ, vô cảm với số phận người bị kỷ luật oan và thể hiện sự lỏng lẻo trong tuân thủ kỷ cương hành chính.

Những cán bộ như vậy cần phải xử lý nghiêm chứ không thể "cho qua truông"!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm