Đại đoàn kết - tất cả vì lợi ích quốc gia - dân tộc

Nhất là trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều biểu hiện, những bất cập ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc. Đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên; đó là tình trạng tham nhũng, lãng phí; là phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng diễn ra gay gắt; là tình trạng vi phạm dân chủ diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở... đặc biệt là xuất hiện tình trạng “lợi ích nhóm” nhằm trục lợi cho phe nhóm gây bất bình trong nhân dân…

Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng lần này nêu: “… Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam, tăng cường quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Lịch sử đã minh chứng rõ ràng, trong hàng ngàn năm lịch sử của mình, mỗi khi dân tộc ta đoàn kết sẽ tạo sức mạnh để đi tới. Thế kỷ XIII, giặc Nguyên - Mông làm cỏ từ Âu sang Á, thế nhưng ta - một quốc gia nhỏ bé khi ấy đã đánh thắng đội quân xâm lược này. Tổng kết chiến thắng vĩ đại này, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã nói đó là: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước giúp sức”.Ngược lại, cứ mỗi khi trong nước chia rẽ, lòng dân ly tán thì y như rằng dân tộc chúng ta sẽ thất bại. Lịch sử sẽ mãi mãi không quên câu nói nổi tiếng của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (dưới thời nhà Hồ với đội quân hùng mạnh) sẽ còn là bài học cho mãi mãi mai sau: “Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”.

Từ khi ra đời, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng việc xây dựng, củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hãy nhìn lại lịch sử của 70 năm về trước để thấy tinh thần đại đoàn kết dân tộc sáng rỡ hơn bao giờ hết. Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc chống kẻ thù chung, trong Quốc hội của nước Việt Nam khi ấy có rất nhiều những thành viên là người của các đảng phái, nhiều nhân sĩ, trí thức, nhiều quan lại cao cấp của chính quyền phong kiến đã vì nghĩa lớn về cùng nước non.

Để phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đòi hỏi Đảng phải không ngừng động viên và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc luôn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương trong đời sống xã hội. Đặc biệt, Đảng phải làm tốt hơn nữa công cuộc chống tham nhũng; chăm lo và tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam các cấp phát huy vai trò của mình trong đoàn kết, tập hợp nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội. Cùng đó, cần nhanh chóng để hiện thực hóa các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ mọi định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung của đất nước và dân tộc. Cùng đó tiến hành hòa giải dân tộc để gắn kết sức mạnh người Việt Nam ở trong và ngoài nước; phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khoan dung của tổ tiên, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định và phát triển toàn diện, bền vững của đất nước.

Để làm được tất cả những điều ấy đòi hỏi những người lãnh đạo của quốc gia mà đặc biệt là tập thể Ban Chấp hành Trung ương phải là những người có đức, có tài, luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Xin mượn lời triết gia nổi tiếng Platon cho kết thúc của bài viết này: “Khi quyết định việc gì, phải nghĩ đến lợi ích của toàn cục. Và cơ quan lãnh đạo phải trở thành chỗ hiện thân cho lý tưởng để mọi người có thể tin được”. Chỉ có làm được như vậy mới có thể phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc. Mong lắm thay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm