Huy động Nông thôn mới: Đừng tạo gánh nặng cho dân

Mục tiêu trước hết, trên hết và lớn hơn hết của nó là để cho người dân được hưởng các điều kiện sống tốt hơn, chất lượng hơn. Cho nên cách làm như xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương “lạ” quá.

Tiêu chí đầu tiên của chủ trương này là phải đảm bảo tính nhân văn. Vì thế, nếu quy định cả trường hợp em bé mới sinh ra đã phải đóng phí xây đường thì thật không thể hiểu nổi. Em bé mới được sinh, đã làm ra của cải, tiền bạc gì đâu mà bắt phải đóng góp. Chắc chắn không có văn bản nào ở nước ta quy định như vậy cả. Bởi người đóng góp kinh phí xây đường phải là người trong độ tuổi lao động.

Mặt khác, chủ trương này là hướng đến người dân, vì thế phải tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ bà con. Nguồn vốn thực hiện các công trình mục tiêu NTM có thể là do Nhà nước và nhân dân cùng làm và cùng đóng góp nhưng đóng góp được bao nhiêu cũng phải trên tinh thần tự nguyện, trên sự hợp lý của sức dân, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người, mỗi gia đình.

Nếu tính căn ngang theo chủ nghĩa bình quân thì gia đình khó khăn, có con đông, sao chịu thấu? Cứ mỗi đầu người đóng 2 triệu đồng, nhà sáu người là đóng tới 12 triệu đồng. Làm như vậy có quá đáng hay không, nhất là với những người không còn phương tiện làm ăn hoặc đang thất nghiệp? Đó là chưa nói người dân đang còn rất nhiều khó khăn, biết bao nhiêu thứ phải lo toan, đóng góp nữa.

Vì vậy quy định đóng góp theo đầu người như xã An Bình làm là bất hợp lý, không đúng, không công bằng. Điều này chắc chắn sẽ khiến dân bất bình mà sinh ra bức xúc.

Điều quan trọng hơn nữa là phần tỉ lệ huy động người dân đóng góp phải đúng theo quy định của pháp luật; không thể anh muốn huy động bao nhiêu là huy động. Bởi khi Nhà nước quy định một tỉ lệ cụ thể thì đã tính toán, đã nhìn thấy các vấn đề liên quan. Vậy tại sao Quyết định 800 ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 nêu rõ các địa phương chỉ được huy động nguồn vốn đóng góp của cộng đồng dân cư khoảng 10% mà xã An Bình đưa ra tỉ lệ huy động đến 50%? Điều đó khiến một chủ trương tốt đẹp trở thành gánh nặng của người dân nơi đây.

Một chủ trương đúng, nhân văn chỉ có thể phát huy được giá trị của nó khi nó được thực hiện một cách hợp lý, hợp tình. Sự hợp lý, hợp tình đó phải được đo bằng sự hài lòng, ủng hộ của người dân. Ai làm mà không đảm bảo những điều này thì nhất định thất bại.

NGUYỄN THỊ HOÀI THU, nguyên Trưởng ban Dân nguyện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm