‘Khai hỏa’ với nạn gian dối

Điển hình như những DN nhập khẩu xe hơi. Khi quy định của Bộ Công Thương đưa ra những hạn chế ngặt nghèo khiến họ không thể nhập khẩu xe nguyên chiếc theo đường chính ngạch, họ buộc phải luồn lách nhập xe theo dạng quà tặng, quà biếu. Điều đáng tiếc là đã có nhiều giám đốc vướng vòng lao lý vì cách làm ăn gian dối này. Họ cho rằng khi pháp luật không khuyến khích tự do kinh doanh, cách làm ăn chân thật thì họ buộc phải gian đối để còn kiếm cháo, kiếm cơm.

Thế nhưng có lẽ đó không phải là câu chuyện nóng bỏng nhất về vấn đề làm ăn gian dối. Bởi lẽ năm 2016, vấn nạn thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái… trở nên rất nghiêm trọng đến nỗi MTTQ Việt Nam phải vào cuộc bằng chương trình giám sát về vấn đề này. Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân ở bất cứ hội nghị nào cũng kể những câu chuyện đau lòng. Nông dân dùng thuốc kích thích trồng rau, bơm nước, tạp chất vào thực phẩm để bán ra thị trường trong khi luống rau họ ăn thì tuyệt đối không dùng. Các loại củ, quả thì được ngâm với “hoa quả thúc chín tố” để có màu đẹp, vị ngọt. Ông Nguyễn Thiện Nhân phải tha thiết kêu gọi: “Người Việt không được đầu độc người Việt. Không thể kiếm lợi nhuận bằng cách đầu độc chính đồng bào của mình”.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp nông thôn, trong hội nghị về an toàn thực phẩm mới đây đã phải nói thẳng rằng: “Để tạo ra cuộc sống lành mạnh với thực phẩm an toàn phải xử lý nghiêm, mạnh tay với kiểu làm ăn gian dối mà không phải kiểu tồn tại như hiện nay là “thật thà ăn cháo, bố láo ăn cơm””.

Mạnh tay với gian dối, có lẽ không chỉ là yêu cầu đối với lĩnh vực nông nghiệp. Bởi lẽ hiện nay gian dối như một thứ bệnh dịch đang tàn phá lương tri xã hội, cản trở sự phát triển bền vững. Bằng cấp không trung thực khiến chất lượng thấp của cán bộ, công chức đang cản trở sự vận hành của bộ máy hành chính phục vụ. Thời giờ công sở bị đánh cắp khiến công việc của người dân bị chậm trễ. Thủ tục hành chính không phải lúc nào cũng được công khai, minh bạch khiến DN, người dân tốn kém các loại phí ngầm cho việc tuân thủ. Chất lượng công trình, cầu cống, đường sá bị “rút ruột” khiến nguồn lực bị thất thoát vào túi tham những người gian dối.

Chẳng vậy mà ông Nguyễn Bá Thanh lúc sinh thời đã từng nói: “Ở nước mình làm ăn gian dối là có lời, làm thật thì chẳng ăn chi”.

Tại sao khi người dân, DN tuân thủ mọi bước đi hành chính trong giao dịch với cơ quan nhà nước, thường họ sẽ bị làm khó? Những chi phí ngầm, bôi trơn như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra làm cho công việc của người dân và DN nhanh chóng hơn, bất chấp các quy định của pháp luật. Điều đó khiến người dân và DN đôi khi chỉ muốn “đi cửa sau” để không bị “hành là chính”. Quan hệ thân hữu dường như chiếm ưu thế trong xử lý những vấn đề vốn thuộc về pháp luật nghiêm minh.

Có rất nhiều nguyên nhân để có thể trả lời cho những vấn đề trên, từ công tác cán bộ cho đến thể chế và chất lượng giáo dục nhưng hậu quả của nó thì chỉ có một - kéo trì đất nước. Không còn cách nào khác, cuộc chiến với bệnh dối trá trong tất cả khía cạnh của đời sống xã hội cần phải được "khai hỏa"!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm