Khi bức tường trách nhiệm bị xuyên ‘thủng’

40 quyết định sai pháp luật, trái thẩm quyền… đã được các quan chức này nhắm mắt ký, gây thiệt hại cho Nhà nước và người dân chắc chắn không chỉ tính được bằng tiền. Tội cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng mà các quan chức này bị khởi tố chính là hậu quả của việc “nhắm mắt làm liều”, vượt qua cương giới của luật pháp.

Điều đáng lưu ý ở đây là: một nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu trong một công văn gửi Bộ Công an vào năm 2014 lại chỉ đề nghị xử lý hành chính những quan chức dưới quyền mình. Có lẽ cũng vì thế mà quan chức bị khởi tố tại tỉnh này lại có “hoạn lộ” khá thênh thang khi có người được phân công nắm giữ chức vụ quan trọng khác - phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Dư luận sẽ đặt ra rất nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong sự vụ này, nhất là trách nhiệm của cấp trên trong việc kiểm soát các sai phạm của thuộc cấp và trách nhiệm của chính họ, khi mà Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó cho mình.

Bởi lẽ thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo chính là sự thoái lui của văn hóa trách nhiệm, là sự thụt lùi của đạo đức công vụ. Đó cũng là biểu hiện của sự câu kết vô hình nào đó, là sự bất minh trong việc thực thi chính sách, là sự gian dối; là sự yếu kém trong quản lý, là sự cố tình không tuân thủ pháp luật.

Và chính bởi lãnh đạo cấp trên thiếu trách nhiệm nên công chức cấp dưới mới có thể cố ý làm trái. Hậu quả nghiêm trọng thì Nhà nước và nhân dân lãnh chịu. Nhưng điều đó không có nghĩa là: Lãnh đạo cấp trên thoái thác được trách nhiệm liên đới. Bởi một nguyên lý đơn giản: Khi xảy ra cố ý làm trái thì hoặc là cấp trên cố ý làm trái và cấp dưới… hùa theo, hoặc cấp dưới cố ý làm trái và cấp trên cố tình làm ngơ.

Trong những năm gần đây, trách nhiệm của người đứng đầu luôn được coi là một trong những phương cách để hạn chế, tiến tới đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, một trong những nguy cơ mà Đảng xác định có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn vong của chế độ. Những lãnh đạo đương nhiệm cần phải ý thức hơn bao giờ hết trách nhiệm này, xem nó là sự sống còn trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Bởi nếu “thủng” từ đây thì những hậu họa mà nó mang lại là to lớn vô cùng!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm