‘Không xử lý nội bộ’

Khi đơn vị này cấp khống hơn 800 giấy phép kiểm nghiệm, cho lưu hành trên thị trường đối với các sản phẩm thức ăn thủy sản và sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNT ngày 21-11 đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng rằng: “Việc này Thủ tướng yêu cầu Bộ làm hết sức nghiêm túc, nếu vi phạm pháp luật thì phải khởi tố”.

Nếu việc khởi tố được thực hiện, tất nhiên là khi đã có các căn cứ sai phạm rõ ràng thì chắc chắn đây sẽ là một tiền lệ nghiêm minh cho việc xử lý những vụ việc ảnh hưởng đến trật tự xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Bởi lẽ thực phẩm bẩn đang là vấn nạn của xã hội. Nhiều lời kêu gọi từ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã vang lên, nhiều cuộc vận động đã được tiến hành. Nhưng một vấn nạn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của nhân dân, sự mạnh khỏe của giống nòi vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Nghị trường Quốc hội đã từng phải than rằng: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần như thế”.

Nếu vụ việc này được xử lý hình sự như chỉ đạo của Thủ tướng, có lẽ nó sẽ bắt đầu cho thời điểm đoạn tuyệt với cách “xử lý nội bộ” lâu nay vẫn tồn tại.

Bởi việc “xử lý nội bộ” chưa bao giờ là cách xử lý hữu hiệu nhất đối với những tiêu cực, sai phạm, vi phạm theo đúng bản chất của một nhà nước pháp quyền, nơi mà mọi công dân đều phải tuân thủ pháp luật và mọi hành vi đều được soi rọi bằng lăng kính pháp luật.

Xử lý nội bộ, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), đã làm cho mục tiêu xây dựng một chính quyền liêm khiết, vì dân đang gặp nhiều khó khăn. Cái tình trạng “trong nhà đóng cửa bảo nhau”, “dĩ hòa vi quý” đã tạo ra những trướng che cho tham nhũng, làm cho công cuộc phòng chống tham nhũng (PCTN) trở nên khó khăn hơn.

Chẳng vậy mà trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về báo cáo công tác PCTN của Chính phủ đã nhận định: Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức… Công tác kiểm tra, tự kiểm tra để PCTN còn yếu nên hầu như rất ít phát hiện được tham nhũng; có trường hợp đã phát hiện được nhưng lại xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ.

Chúng ta có quyền kỳ vọng rằng: Sau chỉ đạo “không xử lý nội bộ” của Thủ tướng đối với vụ việc “800 giấy phép khống”, tinh thần “không xử lý nội bộ” này sẽ lan tỏa, trở thành một trong những biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả xây dựng nhà nước pháp quyền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm