‘Mua danh ba vạn…’

Dù ai cũng biết rằng những danh hiệu “thượng vàng hạ cám” được trao tặng nếu không đi cùng những thành tích có thật hoặc tiêu biểu thì đó chỉ là thứ “hư danh” chỉ có tác dụng trang trí không hơn không kém.

Năm ngoái, Pháp Luật TP.HCMtừng có một loạt bài về việc hàng chục doanh nghiệp (DN) “mắc lỡm” một tạp chí, lấy danh nghĩa của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),… để trao tặng những danh hiệu. Rồi được đưa sang tận Singapore để nhận giải nhưng các DN đều than phiền đó là một cuộc du lịch hạng thấp không hơn không kém.

Dù những danh hiệu sau đó được đích thân minh định là giả mạo thì việc những DN được mời gọi nhận các phần thưởng, danh hiệu vẫn không giảm đi.

Khi chúng tôi đưa bài  “Ép DN mua hư danh” (đăng trên plo.vn) cho VCCI xem, đích thân đại diện VCCI đã nói: “Những trò này vẫn thường xảy ra, VCCI bị mạo danh suốt. Khổ nỗi nhiều DN cứ chạy theo hư danh nên vẫn bị lừa”.

Thích hư danh, dùng hư danh để trang trí và không ít trường hợp DN vì nể nang, vì sợ bị làm phiền… nên đã tặc lưỡi đóng tiền để rồi nhận được những danh hiệu “tâm, tầm, tài” không hẳn là xác thực. Điều trớ trêu hơn nữa là bất kể DN nào có chút tiếng tăm hoặc vừa lóe lên trên bầu trời kinh doanh Việt Nam thì lập tức nhận được hàng chục thư chào mời nhận danh hiệu.

Hẳn nhiên nhiều DN chân chính biết rằng: Danh hiệu cao quý và quan trọng nhất của họ là tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào phát triển và thịnh vượng chung của quốc gia. Nhưng cũng không ít DN mong muốn dùng những hư danh ấy như một cách thể hiện tầm vóc vốn không có thực của mình trên thương trường.

Danh hiệu có thể cũng trở thành một tấm bình phong, trong khi lẽ ra tuân thủ pháp luật, tạo ra lợi nhuận và việc làm mới là danh hiệu cao quý nhất. Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã từng nói rằng: “Không khéo những ông nhận danh hiệu, huân huy chương lại là những ông đang làm ăn bết bát. Vì suốt ngày đi chạy danh hiệu thì lấy đâu ra thời gian để kinh doanh”.

Điều ông Kiên nói không võ đoán khi thực tế đã chỉ ra có những DN sau khi nhận huân huy chương, các loại danh hiệu cao quý đã lâm vào phá sản, nợ nần. Có những DN được trao tặng nhiều danh hiệu rồi khi chủ DN “cao chạy xa bay” thì lúc ấy cổ đông mới tá hỏa vì DN đang bị ngân hàng siết nợ.

Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng. Lời cổ nhân hẳn vẫn còn nguyên giá trị trong thời buổi những hư danh mọc như nấm. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức cứ làm đúng chức phận của mình, tuân thủ pháp luật, tạo ra giá trị cho xã hội để đất nước phát triển bền vững.

Có lẽ đó mới là những danh hiệu thực chất và cao quý nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm