Nhiều quan lớn vi phạm, sao chỉ kỷ luật hai ‘tép riu’?

Cụ thể, đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận bị khiển trách và kéo dài thời gian nâng lương; một nguyên phó chủ tịch phường cũng bị khiển trách. Ngoài ra còn có bốn cán bộ kiểm lâm khác của Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu bị kiểm điểm trách nhiệm (gồm một hạt trưởng và ba kiểm lâm viên khác) nhưng chưa có quyết định kỷ luật cụ thể nào được đưa ra. Thế nhưng diễn tiến vụ việc cho thấy sự tồn tại dằng dai của biệt phủ chủ yếu xuất phát từ các “quyết định nặng ký” của những cán bộ có chức quyền cao hơn, tại sao mới có hai cán bộ cấp này bị kỷ luật?

Để các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và đất đai phải bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, hai nghị định 180/2007 và 102/2014 đưa ra những quy trình xử lý rất chặt chẽ về trình tự, thời gian, thẩm quyền. Đối với loại công trình của hộ ông Ngô Văn Quang, cấp phường phải lập biên bản ngừng thi công, ra quyết định đình chỉ thi công trong vòng 24 giờ kể từ lúc lập biên bản ngừng thi công mà chủ đầu tư không thực hiện, kiến nghị chủ tịch huyện ra quyết định xử lý. Kế tiếp, chủ tịch huyện phải ra quyết định cưỡng chế phá dỡ trong vòng ba ngày kể từ ngày xã chuyển hồ sơ lên để cấp xã tổ chức thực hiện cưỡng chế… Do tất cả cán bộ tham gia xử lý biệt phủ đều không làm hết phận sự, chức trách gây ra hậu quả thế này nên từng cấp phải soát xét, xác định đầy đủ những ai có sai phạm để trên cơ sở đó xử lý thỏa đáng.

- Cấp phường: Nếu ngay khi phát hiện mà không cương quyết làm đầy đủ các thủ tục xử lý khiến vi phạm có điều kiện hoàn tất thì vị phó chủ tịch phường (và cán bộ quản lý xây dựng cấp phường) không thể thoát sự chế tài.

- Cấp quận: Ngoài đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị thì còn có ai liên can? Nếu đúng là vi phạm xảy ra từ năm 2012 mà đến đầu năm 2015 mới có quyết định cưỡng chế phá dỡ thì có phải chủ tịch quận đã không kịp thời xem xét để ra quyết định cưỡng chế trong hạn định? Rồi vì sao chủ tịch quận không chỉ đạo tổ chức cưỡng chế phá dỡ mà lại đẩy việc lên UBND TP?

- Cấp TP: Với hai thẩm quyền (là ban hành những quy định, quyết định nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn; ban hành quyết định xử lý đối với chủ tịch UBND cấp huyện và những cán bộ dưới quyền được phân công quản lý trật tự xây dựng đô thị để xảy ra vi phạm, không xử lý kịp thời…), chủ tịch Đà Nẵng đã làm gì? Ai cho phép UBND TP Đà Nẵng gia hạn thời gian tháo dỡ, tức không thực hiện đúng quyết nghị của HĐND TP?...

Khi đến giờ càng rõ mười mươi quyết định buộc tháo dỡ của quận, TP là hoàn toàn hợp pháp về nội dung lẫn hình thức thì cũng cần phải làm rõ việc tổ công tác của Thanh tra Chính phủ (do một phó cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ làm tổ trưởng) vào Đà Nẵng làm việc có đúng quy định hay không? Bởi lẽ đề nghị được giữ nguyên biệt phủ của ông Quang đã được quận và TP lần lượt ra các quyết định bác bỏ. Theo Luật Khiếu nại, khi vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của UBND cấp tỉnh thì Thanh tra Chính phủ không có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại.

Pháp luật là phải nghiêm trị tận gốc rễ vấn đề chứ không thể chỉ xử lý phần ngọn để tránh trường hợp tương tự có thể xảy ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm