Nhớ về tổ tiên, hãy cùng làm cho Việt Nam cường thịnh!

Nhưng nhớ về các bậc tiền nhân đã có công dựng nước không thể chỉ là chen lấn ầm ào như cảnh dòng người đông nghịt đổ về đền Hùng hôm qua, mà chúng ta cần nhiều hơn như thế rất nhiều. Nhất là phải cùng chung một ý chí mãnh liệt là xây dựng và phấn đấu cho một tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh, dân chủ. Đó là những điều linh thiêng, ý nghĩa hơn cả những hoạt động lễ hội.

Theo số liệu mới nhất, mỗi con dân đất Việt đang gánh trên vai mình một khoản nợ công tới 29 triệu đồng. Ngân sách quốc gia chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Năm 2016, theo số liệu của Bộ Tài chính công bố, Việt Nam cần phải trả nợ nước ngoài tới 150.000 tỉ đồng. Đất nước đang gặp phải những thách thức to lớn từ văn hóa, kinh tế, giáo dục đến chủ quyền.

Năng suất lao động của Việt Nam hiện thuộc nhóm thấp ở châu Á-Thái Bình Dương. Cụ thể thấp hơn Singapore 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Như vậy, phải 50 năm nữa chúng ta mới bắt kịp Thái Lan về năng suất lao động.

Chỉ điểm qua một số thách thức đã thấy trách nhiệm của hậu thế đối với quốc tổ và tiền nhân đã nặng nề đến thế nào. Chỉ có sự đoàn kết mới huy động được sức mạnh của toàn dân để đất nước mau chóng thoát khỏi nhóm những quốc gia có năng suất lao động thấp, mới có cơ may trở thành nước phát triển, vùng vẫy ra khỏi bẫy thu nhập trung bình. Chỉ có sáng tạo và tôn trọng sáng tạo mới giúp đất nước rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển và láng giềng.

Con đường phát triển đó như nhiều nhà lãnh đạo đã nói: Việt Nam phải đi trên con đường mà nhân loại đã đi. Phải tiếp thu, học hỏi những quốc gia văn minh, những thể chế tân tiến, hiện đại và dân chủ. Phải loại bỏ đi những thứ ngăn cản Việt Nam phát triển. Có lẽ các vua Hùng và tiền nhân không muốn thấy non sông mà mình để lại cho con cháu lại tụt hậu và nghèo nàn.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Vua Lê Thánh Tông cũng từng căn dặn triều thần: “Một thước núi, một tấc sông cũng của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được?”. Tưởng nhớ quốc tổ không thể không nhớ tới lời các bậc tiền nhân căn dặn khi chủ quyền quốc gia hiện đang gặp những thách thức to lớn mà chỉ có sự đồng lòng của con dân đất Việt trên khắp thế giới mới có thể hóa giải.

Bởi vậy, mỗi năm vào ngày giỗ quốc tổ sẽ ý nghĩa biết bao khi ngoài việc đến đền Hùng thắp hương, dâng lễ tưởng nhớ các vua Hùng và tiền nhân thì nói như đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Phải cùng làm cho đất nước trở thành nơi đáng sống… Phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải được tự do dân chủ, an toàn, an ninh và công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, đạo đức tốt đẹp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm