Từ quyền tiếp cận đến nghĩa vụ công khai thông tin

Còn nhớ vào tháng 10-2006, Pháp Luật TP.HCMnhận được thông tin về việc có hàng trăm người chết, hàng chục người chờ chết mỗi năm vì bệnh ung thư tại một ngôi làng nằm giữa các nhà máy danh tiếng lừng lẫy một thời. Quá trình tiếp cận vụ việc, PV của báo không chỉ xác tín những số liệu về người chết, bệnh tật, số liệu về cây trồng, vật nuôi tại ngôi làng này bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải, chất thải, nước thải của các nhà máy xung quanh, mà còn tiếp cận được một đề tài khoa học cấp nhà nước do các giáo sư, nhà khoa học tiến hành từ 20 năm trước. Những tên kim loại nặng, chất độc, khí độc kèm các khuyến nghị khoa học như việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, di dời dân ra khỏi vùng ô nhiễm... đã bị giấu kín hàng chục năm trời.

Đáng nói là chính vì phát hiện này nên tuyến bài phóng sự điều tra của báo đã không bị ngưng giữa chừng vì lý do “ổn định” mà nó còn thúc đẩy Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp khẩn cấp đưa ra các giải pháp khắc phục ô nhiễm, cứu giúp mạng sống người dân. Cũng câu chuyện tương tự như thế xảy ra vào đầu những năm 2000 tại Ấn Độ khiến gần 10.000 người chết do sự cố ở nhà máy hóa chất đã khiến cho chính phủ nước này buộc phải trình và thông qua đạo luật về tiếp cận thông tin, đồng thời công khai các số liệu, dữ liệu liên quan đến hoạt động của các nhà máy hóa chất nằm gần các khu dân cư.

Ở Việt Nam, sau vụ việc đó chỉ có cụm từ “làng ung thư” là trở nên quen thuộc, nghĩa vụ công khai của cơ quan nhà nước gần như không có tiến triển gì vì lý do không có luật quy định. Ngay cả nghĩa vụ trả lời báo chí, phản hồi ý kiến công dân dù đã được quy định trong Luật Báo chí và quy chế phát ngôn thì cũng không có nhiều cải thiện do nó chỉ được quy định tại văn bản pháp luật ở cấp thấp (nghị định, quyết định). Ngay cả một nghĩa vụ công khai đối với vấn đề đang rất nóng bỏng là “chống thực phẩm bẩn” thì việc cơ quan nhà nước công khai các quyết định xử phạt đối với các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm cũng không được thực hiện tử tế. Thậm chí có chỗ còn giấu kín các kết luận thanh tra liên quan đến các thực phẩm độc hại, chỉ khi báo chí nêu ra thì họ mới vội vàng đổ lỗi cho nhau.

Chính vì thế, việc quy định quyền, trình tự, thủ tục và cơ chế giải quyết khiếu nại về tiếp cận thông tin bằng một đạo luật là cần thiết, song nghĩa vụ công khai những thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ mới là điều kiện đủ để đảm bảo những quyền cơ bản của công dân mà Hiến pháp đã nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm