Xả thải ra biển, bài học vẫn còn đó!

Sự quan ngại của công luận là có cơ sở. Bởi mặc dù quyết định cấp phép của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chất lượng nước thải phải đảm bảo giá trị các thông số ô nhiễm được phép xả thải vào nguồn nước không vượt quá giá trị tối đa cho phép. Nhưng cũng chính quan chức tài nguyên môi trường của Thanh Hóa lại khẳng định: Việc quan trắc tự động nước thải tỉnh này chưa làm được. Đồng thời Thanh Hóa cũng chưa có giải pháp hữu hiệu kiểm soát tình trạng các doanh nghiệp vi phạm xả thải mà không báo cáo. Giải pháp được nói đến chỉ là: “Sẽ kiểm tra định kỳ”. Điều này cũng có nghĩa Thanh Hóa chưa có đầy đủ mọi điều kiện để có thể giám sát quy trình xả thải để phòng ngừa rủi ro.

Như chim sợ cành cong, có người đã đặt câu hỏi: “Ai đảm bảo sẽ không xảy ra sự cố môi trường biển?”. Lo lắng này là dễ hiểu bởi suốt một năm qua sự cố môi trường biển do nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh xả thải làm ô nhiễm biển bốn tỉnh miền Trung đã làm cả nước lo lắng. Nghị trường Quốc hội kỳ họp nào cũng nóng với chủ đề này. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri kỳ họp nào cũng ghi nhận những trăn trở, bức xúc của nhân dân về trách nhiệm của những chủ thể đã gây ra ô nhiễm.

Nhưng quan trọng hơn, kinh tế và đời sống hàng triệu ngư dân bốn tỉnh miền Trung đã suy giảm nghiêm trọng. Những sự bồi thường, hỗ trợ cũng chỉ làm giảm đi khó khăn trước mắt,…

Trước đó, những nguy cơ từ xả thải luôn thường trực ở các vùng biển dọc chiều dài đất nước. Nhiệt điện Vĩnh Tân ở Bình Thuận xin “nhận chìm” 1,5 triệu tấn chất thải xuống khu vực biển Hòn Cau, một vùng sinh thái đặc biệt. Nhiệt điện Duyên Hải ở Trà Vinh cũng gây lo lắng cho cử tri và nhân dân nơi đây về sự hủy diệt vùng nuôi tôm trọng điểm. Ngay cả một dự án chưa đi vào hoạt động là Thép Cà Ná - Hoa Sen cũng dấy lên những lo ngại cho môi trường biển.

Cũng rất may, sự cố Formosa dường như đã làm cho những tầm nhìn chiến lược bảo vệ môi trường biển đã rõ ràng hơn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định với Pháp Luật TP.HCM về quan điểm: Không đổ chất thải ra biển. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thì khuyến cáo Ninh Thuận nên phối hợp với Viện Hải dương học xây dựng đề án bảo tồn rạn san hô quý hiếm tại vùng biển của tỉnh này.

Điều này là rất hợp lý và đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay. Không chỉ bởi vì hậu quả của ô nhiễm môi trường biển mà Việt Nam đang phải gánh chịu, mà còn bởi một định hướng đúng đắn là: Việt Nam phải đi lên từ kinh tế biển.

Sẽ là rất vô lý nếu Việt Nam với 3.260 km bờ biển, lại nằm ở một vị trí chiến lược về giao thương quốc tế lại không thể phát triển kinh tế biển. Tuy vậy, một khi ô nhiễm môi trường biển xảy ra thì dù có bất cứ chiến lược phát triển kinh tế biển nào đi nữa, chiến lược ấy cũng sẽ bị đảo chiều. Và điều trước tiên, nếu ô nhiễm môi trường biển xảy ra thì ngư dân và hàng triệu người sống nhờ biển sẽ khốn khổ.

Bởi vậy, xả thải ra biển cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định thận trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm