Xét tuyển kiểu… rối tung!

Có thể nhận thấy thí sinh và phụ huynh rất hoang mang và mệt mỏi. Các trường cũng không được nghỉ ngơi, căng thẳng không kém thí sinh.

Theo thống kê, cả nước có hơn 500.000 thí sinh tham gia cuộc đua xét tuyển. Chỉ tính mỗi thí sinh trung bình đến trường nộp vào, rút ra hai lần thì sẽ thấy không khí rối tung ở các trường như thế nào. Cảnh thí sinh xếp hàng chờ đợi được phản ánh trên truyền thông mấy ngày qua đã nói lên điều đó. Đó là chưa kể thí sinh và phụ huynh phải lặn lội từ nhà tới trường, đi lại nhiều lần thật khổ sở.

Tuy nhiên, sự mệt mỏi của thí sinh và nhà trường lại không được bù đắp: Đã gần 20 ngày nhưng thí sinh chưa biết mình đậu hay rớt, mọi điểm chuẩn nếu có mới là dự kiến và có thể biến động đến phút chót. Phía nhà trường chưa biết mình tuyển được đủ thí sinh hay không. Thật là vô lý!

Tiếc rằng bộ trưởng Bộ GD&ĐT chưa nhìn nhận vấn đề một cách cầu thị khi phát biểu: “Qua việc này cũng giúp các cháu nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, làm cho các cháu trưởng thành hơn” (?!).

Về nguyên nhân, nói như PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, là do Bộ GD&ĐT “chiều” thí sinh, cho thí sinh đến bốn nguyện vọng để tăng cơ hội đỗ, lại cho thí sinh rút hồ sơ ra nếu muốn để nộp sang trường khác. Đó là mục đích tốt đẹp nhưng cũng theo ông Xê, có lẽ Bộ GD&ĐT đã không lường hết mức độ phức tạp khi cho thực hiện những điều này hoặc Bộ đã quá tự tin vào phần mềm tuyển sinh của mình có thể hóa giải được những phức tạp phát sinh.

Thực tế không như Bộ mong muốn. Với một thí sinh đăng ký bốn nguyện vọng, tất cả bốn nguyện vọng này đều được đưa vào danh sách xét tuyển của bốn ngành, có nghĩa cứ một thí sinh đăng ký thì xuất hiện ba thí sinh ảo. Tình trạng thí sinh ảo tăng cấp số nhân theo số thí sinh đăng ký khiến thí sinh không biết mình nằm ở vị trí nào, có chắc đậu không. Danh sách xét tuyển ngỡ trung thực giờ càng trở nên mông lung, dẫn đến tâm trạng hoang mang cho thí sinh.

Tình thế này buộc một số trường phải chạy chương trình riêng để lọc thí sinh ảo. Nhưng điều này lại dẫn tới rắc rối khác: Mỗi trường công bố dữ liệu đăng ký một kiểu, bên cạnh dữ liệu rõ ràng thì cũng không ít dữ liệu theo kiểu đánh đố.

Mới đây, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sửa chữa những lỗi trên trong lần thi tới. Nhưng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, một giải pháp căn cơ là ngưng việc tuyển sinh theo “ba chung” như hiện nay (chung đợt thi, chung đề thi, chung đợt xét tuyển) mà chỉ nên “hai chung”, riêng khâu xét tuyển trả về cho các trường ĐH theo đúng quy định tự chủ của Luật Giáo dục ĐH.

TỪ NGUYÊN THẠCH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm