Bầu cử ở Đại hội XI: Dân chủ và cởi mở

Trên cơ sở đó, hôm nay 18-1, Ban Chấp hành Trung ương khóa mới sẽ bầu những vị trí cao nhất của Đảng, đảm bảo lãnh đạo Đảng sẽ là những người ưu tú nhất.

Chiều 17-1, trước khi bước vào hội trường bỏ phiếu bầu chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, đại biểu Đặng Văn Xướng, đoàn Long An, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM những cảm nhận của mình về không khí thảo luận nhân sự tại Đại hội Đảng những ngày qua. Ông nói:

Mấy ngày thảo luận nội dung nhân sự vừa qua, Đoàn Chủ tịch đã tạo điều kiện thuận lợi để mọi đại biểu phát huy dân chủ. Điều này thể hiện ở chỗ thời gian dành cho nghiên cứu hồ sơ ứng viên thỏa đáng. Danh sách, hồ sơ, tài liệu về các ứng viên do Trung ương giới thiệu, kể cả trường hợp tự ứng cử trước đại hội là đồng chí Nguyễn Xuân Kiên, Ban Tuyên giáo Trung ương, rất chi tiết, đầy đủ. Thời gian để các đại biểu trao đổi, suy nghĩ việc tự ứng cử hoặc đề cử người khác ngoài danh sách giới thiệu trước của Trung ương cũng đủ dài để có quyết định chín chắn.

Không áp đặt hay định hướng việc lựa chọn

. Hồ sơ chi tiết đến mức nào, thưa ông?

+ Rất chi tiết, ai muốn tìm hiểu gì cũng được. Thông tin thì có sơ yếu lý lịch, quá trình công tác, học vấn, chuyên môn, bản kê khai tài sản, bản tự kiểm… Bản kê khai tài sản được lập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng nên khá bài bản.

. Thảo luận, góp ý về các nội dung nhân sự đều được thực hiện tại đoàn đại biểu, chứ không có cơ hội trao đổi rộng rãi tại hội trường. Các trưởng đoàn có vai trò rất quan trọng là tổng hợp ý kiến, báo cáo lên Đoàn Chủ tịch. Ông thấy các trưởng đoàn đã thể hiện trách nhiệm của mình như thế nào?

+ Tôi thấy họ tạo điều kiện. Trong thảo luận, họ cũng bình đẳng như các đại biểu khác; không thấy ai áp đặt chính kiến và cũng không cảm thấy Đoàn Chủ tịch thông qua trưởng đoàn định hướng việc lựa chọn. Như thế là dân chủ, cởi mở. Cho nên các đại biểu đề cử bổ sung rất nhiều. Như đoàn Long An chúng tôi cũng có đại biểu đề cử thêm.

. Vậy còn phiên họp chốt danh sách bầu cử chính thức? Việc giữ hoặc xin rút đề cử, ứng cử diễn ra thế nào?

+ Tôi thấy dân chủ, thoải mái. Việc rút thì diễn ra từ hôm trước, tức vừa có đề cử thì đã có người rút rồi. Chủ yếu họ tự thấy mình chưa đủ năng lực đảm đương, chưa đủ uy tín, thiếu tự tin hoặc không mong muốn ứng cử thôi, chứ tôi nghĩ không có áp lực nào cả.

Bầu cử ở Đại hội XI: Dân chủ và cởi mở ảnh 1

Phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI là một tờ bìa, gập xếp lại dạng lò xo. Đại biểu thể hiện ý chí bằng cách gạch tên những ứng viên mình không tán thành. Ảnh: HK

Đề cử, ứng cử không phải theo cảm hứng nhất thời

. Như ông theo dõi, những trường hợp tự ứng cử, được đề cử có sự chuẩn bị trước không? Liệu có trường hợp nào bị loại vì chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ ứng cử, hồ sơ không hợp lệ?

+ Tôi nghĩ đa số trường hợp không rút là có chuẩn bị trước, kỹ lưỡng. Không phải cảm hứng nhất thời mà đề cử, ứng cử. Nhưng trong số bổ sung này, theo tôi biết thì không có ai tự ứng cử. Đều là do người khác đề cử.

Nói chung, rất thú vị! Như bạn thấy, danh sách bầu cử chính thức có số dư rất nhiều!

. Vấn đề mà công chúng quan tâm là việc thể hiện trong danh sách bầu cử chính thức có phân biệt người được Trung ương giới thiệu với người ứng cử, đề cử bổ sung không?

+ Vào phiếu bầu chính thức thì không có sự phân biệt đó. Tất cả đều được xếp theo thứ tự ABC.

Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, thảo luận nhân sự thì các đại biểu đều biết ai được Trung ương hậu thuẫn, ai tự ứng cử hay được đề cử. Và danh sách được Trung ương giới thiệu lại xuất hiện sớm hơn, được thảo luận sớm hơn so với danh sách bổ sung về sau...

Bầu trước, phân công công tác sau

. Thông thường trong công tác chuẩn bị nhân sự, khi giới thiệu người nào thì đều có dự kiến sắp xếp một công việc, vị trí công tác nào đó cho người ấy. Vậy trong hồ sơ các ứng viên do Trung ương giới thiệu, có nội dung dự kiến đó không?

+ Không. Hồ sơ chỉ nói là “sẽ phân công công tác sau” thôi. Vì còn phải chờ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp rồi mới bố trí chính thức được chứ. Tất nhiên, với các đồng chí đã được đại hội đảng bộ các cấp bầu, phân công công việc trong cấp ủy rồi thì có thể vị trí công tác đã được xác định.

. Mỗi bước tiến của cách mạng Việt Nam thường được thể hiện qua các kỳ đại hội Đảng. Ông có thể so sánh gì về Đại hội XI này với các đại hội trước?

+ Đây là lần đầu tiên tôi dự đại hội Đảng và có lẽ là lần cuối cùng. Nhưng trao đổi với một số đại biểu từng tham dự các kỳ đại hội trước đây thì họ nhận xét là lần này, về công tác nhân sự cũng như thảo luận văn kiện là khá cởi mở, dân chủ. Biết đâu Đại hội XI phát đi được tín hiệu tốt cho những đổi mới trong thời gian tới.

. Xin chia sẻ với ông.

Hôm nay: Bầu Tổng Bí thư khóa XI

1.377 đại biểu cùng giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư. Tân ủy viên trung ương có quyền ứng cử Tổng Bí thư.

Ban Kiểm phiếu gồm 19 người do Đại hội XI bầu ra đã làm việc suốt tối 17-1 để kiểm tra tính hợp lệ của các phiếu bầu. Tin từ bộ phận giúp việc của Ban Kiểm phiếu cho biết việc kiểm phiếu được tiến hành bằng máy, với quy trình chặt chẽ: chạy máy ba lượt, nếu kết quả trùng nhau mới được chấp nhận. Nếu thuận lợi thì chỉ 47 phút là việc kiểm phiếu hoàn tất.

Sáng nay (18-1), Ban Kiểm phiếu sẽ báo cáo đại hội kết quả bầu cử Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Tiếp đó, Đoàn Chủ tịch sẽ tổ chức lấy phiếu giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư. 1.377 đại biểu sẽ toàn quyền lựa chọn một trong số các ủy viên trung ương chính thức vừa được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.

Buổi chiều, sau bảy ngày rưỡi làm việc liên tục, các đại biểu sẽ được nghỉ để chờ Trung ương khóa XI nhóm họp hội nghị đầu tiên để bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương ba khóa VII, VIII, IX, cho biết thông thường Tổng Bí thư đương nhiệm sẽ triệu tập hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Hội nghị sẽ bầu ra chủ tịch đoàn để điều hành cuộc họp.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư đương nhiệm sẽ trình bày phương án nhân sự do Trung ương khóa trước giới thiệu, cụ thể về số lượng dự kiến ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư… cũng như nhân sự dự kiến. “Về nguyên tắc, các ủy viên Trung ương có thể tự ứng cử hoặc đề cử thêm người. Tuy nhiên, hiếm khi việc này xảy ra” - ông Hùng cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề thủ tục, ông Hùng cho biết việc để các đại biểu dự đại hội giới thiệu nhân sự Tổng Bí thư là một sáng kiến mới, có từ Đại hội X. “Kết quả giới thiệu này được công bố tại hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương vừa được bầu và có giá trị tham khảo quan trọng để Trung ương bầu Tổng Bí thư”.

Câu hỏi đặt ra nếu kết quả giới thiệu của đại hội không trùng với dự kiến nhân sự của Trung ương khóa trước thì sao? “Đây là thủ tục mới, chưa xảy ra tình huống như bạn hỏi nên chưa rõ sẽ xử lý thế nào. Chắc việc này sẽ do Trung ương khóa mới quyết định” - ông Hùng cho hay.

Theo chương trình, sáng mai (19-1), các đại biểu sẽ nghe báo cáo kết quả bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngay sau đó, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ra mắt.

Số dư vượt xa so với dự kiến

16 giờ 30 ngày 17-1, tại hội trường lớn - Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, 1.377 đại biểu dự Đại hội XI tiến hành thủ tục bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (nhiệm kỳ 2011-2015). Phiếu màu hồng để bầu ủy viên trung ương chính thức, màu xanh nhạt để bầu ủy viên trung ương dự khuyết.

Các đại biểu sẽ bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới từ danh sách bầu cử chính thức được đại hội chốt lại trong phiên họp toàn thể buổi sáng. Theo đó, có 218 ứng viên cho 175 ghế ủy viên chính thức của Trung ương khóa XI (số dư 24,57%); 61 ứng viên cho 25 ghế dự khuyết (số dư 144%). Các số dư này đều vượt xa so với số dư dự kiến là 15%.

Phiên bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã kết thúc lúc 17 giờ 30 ngày 17-1. Chiều tối cùng ngày, công tác kiểm phiếu sẽ được tiến hành. Kết quả sẽ được công bố vào hôm nay (18-1).

Đại hội X - Đại hội XI: Nhiều hơn và ít hơn

Đại biểu Phùng Đình Thiệu, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Nguyên, cho biết danh sách ứng cử do Trung ương khóa X giới thiệu là 186 cho trung ương chính thức và 28 cho trung ương dự khuyết. Sau quá trình thảo luận nhân sự tại các đoàn, đến sáng 17-1, số đề cử ngoài danh sách là 89 - cho vị trí ủy viên trung ương chính thức và 63 - cho vị trí dự khuyết. Không có trường hợp nào tự ứng cử trong đại hội, trừ trường hợp ông Nguyễn Xuân Kiên tự ứng cử trước ngày Đại hội XI khai mạc.

Tuy nhiên, sau khi rà soát các trường hợp xin rút, đến giữa buổi sáng, số đề cử bổ sung còn 32 (chính thức) và 33 (dự khuyết). Tổng hợp cả số Trung ương giới thiệu và số đề cử bổ sung, số ứng viên nhiều hơn số ghế được bầu là 43 người, tương đương 24,57% (chính thức) và 36 người, tương đương 144% (dự khuyết).

Đại hội X, số ứng viên cho vị trí ủy viên trung ương chính thức là 207 (gồm 174 do Trung ương khóa IX giới thiệu, 31 được đề cử, hai ứng cử bổ sung), so với 160 được bầu, dư 29,37%; ứng viên dự khuyết là 46 (gồm 16 được đề cử bổ sung, không ai tự ứng cử), so với 25 được bầu, dư 84%.

Bầu cử ở Đại hội XI: Dân chủ và cởi mở ảnh 2
Bầu cử ở Đại hội XI: Dân chủ và cởi mở ảnh 3

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm