Chuyện xưa chuyện nay: Tranh chấp biển Đông kiện ra Tòa án Quốc tế?

Gần đây, báo chí cũng cho biết nhà nước Philippines đang chuẩn bị thủ tục đưa vụ kiện ra Tòa án Quốc tế về luật biển để nhờ tòa này phân xử... Như vậy, theo luật quốc tế, một nước có thể đơn phương kiện đối phương tranh chấp ra Tòa án Quốc tế được không? Tại sao đến giờ Trung Quốc vẫn không muốn Tòa án Quốc tế xét xử mà chỉ muốn giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp với Trung Quốc mà thôi? Vậy cần làm gì để tự vệ?".

Chuyện xưa chuyện nay: Tranh chấp biển Đông kiện ra Tòa án Quốc tế? ảnh 1

Phía trước phòng xử của Tòa án Quốc tế về luật biển. Ảnh: INTERNET

ANH PHÓ trả lời: Thưa bạn Trần Hữu Vị,

Tòa án Quốc tế về luật biển (International Tribunal for the Law of the Sea - viết tắt là ITLOS) được thành lập năm 1996, là cơ quan tài phán do Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (United Nations Convention on the Law of the Sea - viết tắt là UNCLOS) quy định. Việc tổ chức và hoạt động của ITLOS cũng như các thủ tục khởi kiện, thẩm quyền, nội dung xét xử đều căn cứ theo Công ước về luật biển năm 1982 và quy chế, nội quy của tòa này. Cơ bản về cách thức giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia được quy định từ Điều 279 đến Điều 299 của UNCLOS. Tôi xin giới thiệu tóm tắt như sau:

Theo quy định của UNCLOS, nghĩa vụ của các quốc gia thành viên là phải giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa bình (Điều 279). Trước hết, các quốc gia tranh chấp được tự do giải quyết với nhau thông qua đàm phán, trao đổi quan điểm, hòa giải. Nếu các bên không thỏa thuận được qua thủ tục hòa giải thì coi như không thành và chấm dứt hòa giải (Điều 284). Sau khi không thể giải quyết được bằng con đường hòa giải thì có thể áp dụng tới thủ tục bắt buộc theo yêu cầu đơn phương của một bên tranh chấp dẫn tới các quyết định bắt buộc của một Tòa án Quốc tế (Tòa án Quốc tế về luật biển ITLOS, Tòa án Công lý Quốc tế ICJ, một tòa trọng tài hay một tòa trọng tài đặc biệt). Phán quyết của Tòa án Quốc tế có tính chất tối hậu bắt buộc các bên tranh chấp phải tuân theo (Điều 296).

Tuy nhiên, theo UNCLOS, các trường hợp sau đây được coi là ngoại lệ (exception), nghĩa là phải có sự thỏa thuận của tất cả các quốc gia đang tranh chấp với nhau thì mới được đưa ra tòa án: các tranh chấp liên quan đến việc phân định vùng biển, các hoạt động quân sự, các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm giải quyết...

Xét chung thì tranh chấp chủ quyền ở biển Đông giữa các nước ASEAN với Trung Quốc hiện nay nằm trong diện ngoại lệ ấy, nên phải có sự thỏa thuận của tất cả các bên tranh chấp thì Tòa án Quốc tế mới thụ lý giải quyết mà từ trước đến nay phía Trung Quốc không muốn đưa việc tranh chấp ra tòa án.

Bạn hỏi tại sao Trung Quốc chỉ muốn giải quyết song phương với từng nước tranh chấp, chứ không chịu đa phương hay nhờ Tòa án Quốc tế giải quyết? Điều này cũng dễ hiểu. Mặc dù trong thành phần thẩm phán của Tòa án ITLOS lâu nay thường xuyên đã có một thẩm phán là đại diện Trung Quốc (trong số 21 vị thẩm phán thành viên) nhưng theo tôi, Trung Quốc không có đủ cơ sở thuyết phục để thắng kiện. Vả lại, nước lớn thường muốn để họ “tự xử” với các nước nhỏ chứ không muốn có nhiều nước khác tham gia can dự vào. Bàn chuyện công khai với nhiều người thì chắc phải “mệt” hơn với từng người riêng lẻ...

Thành thử một khi không thể kiện ra tòa được mà bàn tay đôi thì cũng dễ bị o ép, bắt nạt. Vậy thì chỉ còn cách là phấn đấu làm sao để tự mình mạnh lên, để có thể sống yên ổn lâu dài với kẻ mạnh.

Thân chào bạn.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 170)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm