Đề xuất cho chuyển giới và ‘quyền mưu cầu hạnh phúc’

Theo đó, Điều 36 dự thảo này bổ sung quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” (tất nhiên, đó chỉ là phương án 1, phương án 2 vẫn là “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính”).

Đây là một điểm rất mới vì BLDS hiện hành và dự thảo bộ luật lấy ý kiến nhân dân bấy lâu nay chỉ quy định việc xác định lại giới tính mà không có quy định về chuyển đổi giới tính.Trước đó, vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo, tranh luận kịch liệt tại các hội thảo cũng như diễn đàn mạng và hiện tồn tại nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng như lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng chuyển đổi giới tính là nhu cầu có thật và ngày càng gia tăng ở nước ta.

Sự thừa nhận “nhu cầu có thật” ấy đã cho thấy cái nhìn cởi mở hơn trong tư duy của những nhà xây dựng luật về vấn đề vốn chưa có tiền lệ, bấy lâu nay “không được thừa nhận” và bị cho là “phức tạp, nhạy cảm, rất khó dự liệu”…

Thực tế, ở nước ta có không ít trường hợp chuyển đổi giới tính “chui”, chấp nhận vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống (từ việc cải chính hộ tịch, tiếp cận các dịch vụ y tế cho đến những trở ngại trong sinh hoạt, cũng như việc thực hiện các quyền dân sự khác) để được sống với ước muốn của chính mình. Với họ, sống với chính mình là hạnh phúc.

Một nguyên lý bất di bất dịch trong thiết kế và phát triển của bất kỳ xã hội nào là đều lấy “quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân làm nền tảng. Quyền “mưu cầu hạnh phúc” ấy cần phải được đặt lên trên so với bất kỳ các trở ngại khác của truyền thống pháp lý lẫn truyền thống văn hóa. Tuy nhiên, bấy lâu nay điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện. Việc các nhà quản lý chọn phần dễ, thuận tiện, an toàn cho mình là điều không quá khó hiểu nhưng việc đẩy phần khó về cho người dân, dù đó là phần thiểu số trong xã hội, cũng cần cân nhắc một cách thấu đáo. Vì bản thân sự hạnh phúc không tồn tại sự phân biệt, bản thân sự hạnh phúc cũng không chọn lựa ranh giới và mỗi con người khi được sinh ra đều có quyền mưu cầu nó.

Nói như thế, chúng tôi không nhằm cổ súy hay đứng về bên nào trong cuộc tranh luận bấy lâu nay (và có lẽ tới đây khi đưa vấn đề này ra Quốc hội sẽ còn tranh luận nhiều nữa). Nhưng cũng có một sự thật là nếu như bất kỳ đề xuất nào cũng xuất phát từ nhu cầu có thực, từ mưu cầu hạnh phúc của người dân thì xã hội sẽ tốt đẹp thêm.

MẠNH LÊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm