Giọt nước mắt của ông Trần Văn Thêm

Lời chia sẻ gần như ai oán này của ông Trần Văn Thêm tại buổi ông được liên ngành tư pháp trung ương công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can và công khai xin lỗi vì đã làm oan cho ông như một tiếng kêu lương thiện cất lên.

Kể từ cái đêm người em họ của ông là Nguyễn Khắc Văn bị giết hại năm 1970 đến nay đã 46 năm. Quá nửa đời người, ông mang án giết người. Quá nửa đời người, ông bị chì chiết là tên giết người, cướp của. 46 năm oan khiên ấy, phải là một người có niềm tin mãnh liệt vào công lý mới có thể gánh chịu nổi tiếng đời.

Dẫu rằng năm 1975, hung thủ thực sự của vụ án đã được tìm ra, hai bản án tuyên ông tử hình vì tội giết người, cướp của đã bị hủy nhưng ông lại được tha về một cách âm thầm, với “giấy miễn lao động nặng” như một cách nói rằng: Ông được tha về vì lý do sức khỏe chứ không phải vì ông bị hàm oan. Không một ai, không một cơ quan nào công khai ông không phạm tội giết người, cướp của.

Bước chân của ông vào hội trường trung tâm thị trấn Trờ (Yên Phong, Bắc Ninh) không còn vững chãi, mắt ông long lanh vài giọt lệ. Liên ngành tư pháp trung ương giải thích: Vì chiến tranh, chia tách địa giới hành chính tỉnh nên tài liệu về vụ án của ông bị thất lạc, dẫn đến quá trình minh oan cho ông phải kéo dài nhiều năm, gây tổn thương, mất mát cho cá nhân ông, cũng như cho hai gia đình vốn có quan hệ họ hàng.

“Mong ông Thêm thông cảm sâu sắc và tha thứ cho các cơ quan tố tụng đã làm oan ông”, lời xin lỗi này chắc là điều ông Thêm mong muốn được nghe suốt 46 năm qua. Trong phần đáp từ của mình, có lẽ ông không cần nhắc đến từ “tha thứ”. Thay vào đó, ông Thêm chỉ bày tỏ lời cảm ơn đến những cơ quan, tổ chức, cá nhân bao năm qua đã giúp sức cho ông có ngày được ngẩng mặt nhìn trời hôm nay. Giọt nước mắt lịch sử của ông Thêm đã khiến bao người chứng kiến cảnh ấy phải ray rứt…

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình mới đây đã khẳng định: Nếu không đủ căn cứ để kết tội thì tòa phải tuyên vô tội. Chỉ khi nào quan điểm tiến bộ trên đây được thực thi nghiêm minh thì những án oan như của ông Thêm (trước đó là ông Chấn, ông Nén) sẽ không còn trở thành nỗi day dứt của cả nền tư pháp nước nhà.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm