Lao đao từ một Thông tư của Bộ công thương

Có DN còn bị “kẹt” tới 8 triệu USD ở nước ngoài. Có DN lại phải mua xe mới ở nước ngoài, thuê người chạy khoảng 10.000 km rồi tìm cách nhập về Việt Nam dưới dạng xe cũ; thuế, phí vì thế tăng lên rất nhiều…

Những liệt kê cơ bản trên đây là hậu quả mà Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương gây ra cho khoảng 200 DN nhập khẩu xe hơi từ năm 2011 đến nay. Thông tư này quy định rằng: Các DN nhập khẩu xe hơi dưới chín chỗ ngồi phải có giấy ủy quyền chính hãng, cùng nhiều điều kiện khắt khe về trạm bảo hành làm cho cả hệ thống DN này… “ngắc ngoải”.

Năm năm qua, các DN này đã gửi không biết bao nhiêu kiến nghị. Mới đây nhất, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong đợt rà soát các điều kiện kinh doanh vô lý “ẩn tàng” trong các thông tư, nghị định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông tư này lại được đem ra mổ xẻ. Đặc biệt, trong các cuộc họp của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật hồi tháng 6-2016, quy định này cũng được bàn luận rất kỹ và các chuyên gia đều khẳng định: Quy định này trái với Luật DN, Luật Đầu tư cũng như nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh, bình đẳng của thị trường. Bộ Công Thương sau đó không đưa quy định này vào nghị định mới nhưng cũng không bãi bỏ Thông tư 20. Thậm chí bộ này còn “đá” thông tư này sang cho Thủ tướng quyết định.

Trước nhiều kiến nghị của DN và công luận, Bộ Công Thương tổ chức buổi đối thoại về thông tư này vào ngày 21-7 vừa rồi. Tuy nhiên, chỉ có các DN lớn và VCCI được tham dự buổi đối thoại. Còn không ít các DN khác bị ảnh hưởng trực tiếp từ thông tư này đã không được vào dự dù họ có giấy mời và rất mong muốn đối thoại thẳng thắn, sòng phẳng với các DN lớn và Bộ Công Thương. Cực chẳng đã họ phải căng băng rôn ngay bên ngoài Bộ Công Thương với nội dung: “Vì quyền lợi người tiêu dùng, ủng hộ Thủ tướng Chính phủ bỏ Thông tư 20/2011, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng”.

Cách đối thoại chính sách là tất cả đối tượng bị ảnh hưởng đều phải được lên tiếng, được lắng nghe. Thế nhưng điều này đã chưa được thực hiện cho thấu đáo.

Có cạnh tranh thì mới có phát triển, có đối thoại thì mới có công bằng. Nguyên tắc ấy luôn đúng. Nhưng cách “đối thoại” để duy trì Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương đã vi phạm cả hai nguyên tắc này. Lợi ích của người tiêu dùng như các công ty lớn và Bộ Công Thương nói chưa biết đúng đến đâu nhưng những thiệt hại cho hàng trăm DN, thất thu cho ngân sách, hàng ngàn người lao động mất việc đã là một thực tế.

Một quy định gặp quá nhiều phản đối nhưng vẫn không được bãi bỏ, một buổi đối thoại không có đối tượng chịu ảnh hưởng, chắc chắn đó không phải là cách quản trị thúc đẩy phát triển.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm