Luật “mẹ” đợi luật “con“!

Tới đây, từ đề xuất của Bộ Tư pháp, Chính phủ sẽ có văn bản cho phép các địa phương tạm áp dụng các NĐ đang có trên tinh thần không được trái luật”. Trả lời Pháp Luật TP.HCMvề việc thực hiện một đạo luật quan trọng ảnh hưởng đến nhiều mặt trong đời sống người dân, doanh nghiệp, tổ chức, đại diện Bộ Tư pháp đã cho biết như vậy. Cũng theo vị này, chuyện có luật “mẹ” nhưng chậm có luật “con” từng xảy ra vào thời điểm Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 có hiệu lực và Thủ tướng cũng đã ký chỉ thị “chữa cháy” để các nơi tiếp tục thực hiện những quy định được ban hành để thực hiện pháp lệnh cũ, tức có trước Pháp lệnh năm 2002 (!)

Có vẻ như mọi thứ không có gì mà ầm ĩ. Chưa có mới thì sử dụng cái cũ. Chưa có văn bản chính thức của Chính phủ thì chờ cho đến lúc có, chứ chẳng lẽ đình trệ hết thảy. Thế nhưng, đối với những người trực tiếp thực hiện luật thì không đơn giản vậy. Ở cuộc họp giao ban tại Sở Tư pháp TP.HCM vào cuối tháng 6, các đơn vị, cơ sở đều tỏ ra lo lắng, không biết phải triển khai thế nào khi cận kề ngày 1-7 mà vẫn chưa có văn bản hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền.

Họ thật sự không biết phải xử phạt thế nào cho đúng khi quy định mới về hành vi và mức phạt chưa có, quy định cũ thì có vẻ lạc hậu. Sẽ là việc chẳng đặng đừng khi đối với hành vi vi phạm giao thông, CSGT cứ xử lý theo hai NĐ 34/2010, 71/2012 hoặc đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, công an cứ “bám” theo NĐ 73/2010 trong khi các NĐ này là "con đẻ" của một pháp lệnh đã “hết thời”. UBND quận, huyện, phường, xã liên tục “gõ cửa” phòng tư pháp, phòng hỏi sở, sở hỏi bộ… và kết cục là đến giờ vẫn chưa có văn bản gỡ rối bằng giấy trắng mực đen để các cơ quan có chỗ dựa pháp lý nhằm yên tâm thực hiện.

Khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 yêu cầu: “Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Giải thích về sự chậm trễ ban hành các NĐ liên quan, vị đại diện Bộ Tư pháp nại rằng do thời gian ngắn quá nhưng lại cần bảo đảm chất lượng. Thế nhưng nếu cứ đương nhiên chấp nhận sự trễ nãi lần này và lần trước thì ai dám đoan chắc sẽ không còn lần thứ ba, thứ tư… và như thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có để làm gì mà chẳng được tuân thủ?

So với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 thì luật năm 2008 không còn quy định luật “mẹ” chết thì luật “con” cũng đương nhiên chết theo. Chưa rõ sự thay đổi này hay, dở thế nào nhưng nếu cứ tái diễn luật “mẹ” chờ luật “con” thì ắt còn những xáo trộn, bất nhất không đáng có.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm